Bảo vệ doanh nghiệp thép Việt thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại
(Xây dựng) – Bộ Công Thương thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kỹ thuật.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phát triển thị trường. |
Nâng cao bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 của nước ta có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn. Ước tính tồn kho khoảng 8,4 triệu tấn.
Thép Việt Nam còn đối mặt với áp lực nhập siêu. Năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn với trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% so với năm 2022. Trung Quốc là nước xuất khẩu vào Việt Nam nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.
Lãnh đạo VSA nhận định, khó khăn lớn nhất là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Bên cạnh đó, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các “hàng rào” kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam hiện nay.
Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. |
Cùng với đó, tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.
Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.
Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.
Đại diện Bộ Tài chính đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, đối với thuế xuất nhập khẩu cần điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Phòng vệ thương mại, chống bán phá là công cụ hợp pháp
Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ nước xuất khẩu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, ngành thép là ngành đầu vào cực kỳ quan trọng của kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh. Bản thân sự phát triển của ngành thép cũng là một ngành kinh tế. Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước đều có sự nhìn nhận về vai trò của ngành thép là giống nhau. Chính vì sự quan trọng đó, thép cũng là nguyên nhân của các chính sách phòng vệ và bảo hộ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phát triển thị trường, đặc biệt là mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.
Về hỗ trợ vay vốn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép.
Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.
Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phát triển thị trường, đặc biệt là mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích tại thị trường trong nước và ngoài nước…
Nguồn: Báo xây dựng