Quảng Bình: Xin ý kiến chủ trương đầu tư 3 khu đô thị gần 1.800 tỷ đồng tại thành phố Đồng Hới

(Xây dựng) – Vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy báo cáo xin ý kiến về chủ trương đầu tư 3 dự án khu đô thị tại thành phố Đồng Hới với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng.

Quảng Bình: Xin ý kiến chủ trương đầu tư 3 khu đô thị gần 1.800 tỷ đồng tại thành phố Đồng Hới
Địa điểm thực hiện dự án khu đô thị phía Tây đường Lý Nam Đế với tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng.

Theo đó, tại Công văn số 270/CV-BCSĐ của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình, dự án khu đô thị phía Tây Bắc đường 27m, phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hoàng Minh đề xuất (nhà đầu tư quan tâm đề xuất) đã được các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thẩm định, đáp ứng đủ các điều kiện để xem xét, quyết định chấp thuận theo quy định của Luật Đầu tư.

Quy mô dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 80.058m2; quy mô đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật tại toàn bộ khu vực thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt; xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê với chiều cao khoảng 6 tầng. Đối với công trình nhà ở: Nhà ở thương mại xây thô, hoàn thiện mặt ngoài tối thiểu khoảng 25 căn tại các vị trí tiếp giáp tuyến đường chính khu vực, tuyến đường có mặt cắt ngang từ 22,5m trở lên, tuyến đường cảnh quan chính. Quỹ đất ở được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở theo thiết kế mẫu được duyệt sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phần hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng các quy định hiện hành khoảng 49 lô.

Nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng một chung cư nhà ở xã hội tại các lô đất ở liên kế ký hiệu OLK1 và một phần lô đất ký hiệu OLK2, chiều cao khoảng 7 tầng; số lượng căn hộ chung cư xã hội là khoảng 241 căn.

Sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước, gồm: Nhà đầu tư được phép giữ lại để đầu tư kinh doanh: Đất ở, các sản phẩm bất động sản được đầu tư xây dựng trên các lô đất được quy hoạch là đất ở, đất ở xã hội, đất thương mại dịch vụ sau khi đáp ứng các quy định hiện hành; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… được đầu tư xây dựng ngoài phần đất quy hoạch đất ở, đất ở xã hội, đất thương mại dịch vụ.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 405 tỷ đồng, thời hạn hoạt động của dự án: Trong vòng 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện không quá 6 năm (72 tháng) kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư (thời gian cụ thể sẽ được xác định tại quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư).

Tại Công văn số 271/CV-BCSĐ của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình, dự án Khu đô thị Phương Bắc do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hoàng Minh và Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại và Du lịch Phương Bắc đề xuất (nhà đầu tư quan tâm đề xuất). Vị trí thực hiện dự án xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Diện tích sử dụng đất: Khoảng 177.000m2, tổng mức đầu tư 560 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án: Không quá 6 năm (72 tháng) kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư.

Phần công trình hạ tầng của dự án này: Đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật tại toàn bộ khu vực thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Phần công trình nhà ở: Nhà ở thương mại xây thô, hoàn thiện mặt ngoài tối thiểu khoảng 75 căn nhà liền kề với chiều cao khoảng 3 tầng; tại các lô đất có mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, tuyến đường cảnh quan chính, tuyến đường trong khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; tuyến đường chính khu vực, tuyến đường có mặt cắt ngang từ 22,5m trở lên. Quỹ đất ở được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở theo thiết kế mẫu được duyệt sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phần hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng các quy định hiện hành là khoảng 243 lô đất ở liền kề. Nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng 1 khu chung cư nhà ở xã hội tại lô đất có ký hiệu OXH có chiều cao khoảng 5 tầng; số lượng căn hộ chung cư xã hội khoảng 450 căn. Phần công trình hạ tầng xã hội: Đầu tư xây dựng 01 trường học mầm non với quy mô khoảng 246 cháu, 1 nhà văn hóa cộng đồng.

Còn tại Công văn số 272/CV-BCSĐ của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình, dự án khu đô thị phía Tây đường Lý Nam Đế do Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Việt Phong đề xuất (nhà đầu tư quan tâm đề xuất). Tổng vốn đầu tư dự án là khoảng 780 tỷ đồng, vị trí thực hiện dự án là phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Diện tích sử dụng đất khoảng 95.769,05m2. Quy mô xây dựng: Đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật tại toàn bộ khu vực thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt, xây dựng 1 công trình tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê tại lô đất có ký hiệu TMDV chiều cao khoảng 5 tầng. Nhà ở thương mại: Xây thô, hoàn thiện mặt ngoài tối thiểu khoảng 41 căn nhà ở hỗn hợp (nhà ở kết hợp kinh doanh) tại các lô đất có ký hiệu: OHH1 đến OHH4 dọc theo trục đường quy hoạch chính rộng 31m và đường Lý Nam Đế. Quỹ đất ở được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở theo thiết kế mẫu được duyệt sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phần hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng các quy định hiện hành khoảng 114 lô. Xây dựng khu chung cư nhà ở xã hội tại lô đất ký hiệu OLK2 và một phần lô đất ký hiệu OLK5; chiều cao khoảng 6 tầng; số lượng căn hộ chung cư xã hội khoảng 293 căn.

Mục tiêu của cả 3 dự án này nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; chương trình phát triển đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, hình thành khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực; từng bước nâng cấp đô thị; huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích