Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông sản an toàn
Đối với phụ nữ Thủ đô, thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Theo Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, là yêu cầu tất yếu trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại và mang lại những tiện ích cho việc kết nối của cộng đồng xã hội một cách văn minh và năng động.
Trong thời gian qua, gắn với thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã tham mưu với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn kết nối chuyên gia, từng bước đã hỗ trợ phụ nữ và nữ doanh nhân tiếp cận với chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Hiện đã có hơn 4.000 nữ chủ doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm được tham gia các chương trình đào tạo tập huấn, tiếp cận và thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp; quản lý sản xuất kinh doanh chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến để có hiệu quả cao hơn; 1.870 doanh nhân nữ được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh online, tiếp thị liên kết và xây dựng gian hàng trên các kênh mạng xã hôị tiktok, facebook, Zalo và tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, lazada…
Theo số liệu thống kê của Hà Nội, phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm gần 30%; chủ hộ kinh doanh, giám đốc hợp tác xã là phụ nữ khoảng 78%, chiếm đa số trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm. Xác định việc hỗ trợ phụ nữ thực hiện chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội là một nhiệm vụ quan trọng của thành phố.
Tiêu biểu như chị Phạm Thị Tư Hậu, Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Yến Anh, huyện Ba Vì với sự say mê, ý chí của sức trẻ vươn lên làm giàu, chị đã đưa ý tưởng kinh doanh từ củ khoai, củ sắn thành hiện thực. Hợp tác xã chế biến nông sản Yến Anh được thành lập tháng 6 năm 2024, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ tư vấn thành lập của Hội LHPN thành phố Hà Nội. Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm nông sản… quy mô sản xuất, hệ thống máy móc tiên tiến hiện đại, xây dựng quy trình quản lý, vận hành nhà xưởng, cũng như đảm bảo nguyên tắc an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến.
Hiện tại, hợp tác xã đã cung cấp tới người tiêu dùng trên địa bàn thành phố và các tỉnh/thành thông qua kênh phân phối, siêu thị…. tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên. Đặc biệt, sản phẩm “Bánh sắn phomai” đã được xuất vào thị trường Mỹ cho người tiêu dùng Việt Nam tại Mỹ, với số lượng lớn và cố định. Hợp tác xã đã có các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hay như mô hình trang trại giun quế GHT của bà Nguyễn Thị Liên (huyện Sóc Sơn), trong suốt 18 năm hình thành và phát triển, trang trại của bà Liên đã kết hợp việc chăn nuôi gia súc với vi sinh nhằm đảm bảo các sản phẩm theo tiêu chí an toàn thực phẩm, vì vậy chất lượng các sản phẩm luôn được giữ vững và người tiêu dùng ưa thích.
Các sản phẩm của GHT đã được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sản phẩm được khẳng định chất lượng, thương hiệu, cam kết của nhà sản xuất và chỗ đứng trên thị trường. Đến nay các sản phẩm của trang trại đã được UBND Thành phố cấp giấy nhận đạt 3 sao. Đồng thời hệ thống đã cung cấp hơn 20 cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, hơn 200 khách hàng trực tiếp phục vụ trên hệ thống bán lẻ và một số của hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh/thành Bắc Ninh, Hải Phòng…
Để tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng, theo bà Nguyễn Thị Hảo, cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị mang lại từ ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử để các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm hiểu biết và quyết tâm chuyển đổi tư duy, chủ động học hỏi, nghiên cứu, đầu tư cho lộ trình ứng dụng chuyển đổi số trong cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Tập trung thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng công nghệ, ứng dụng kỹ thuật cao, vào quy trình sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng tạo được uy tín với cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các chuyên gia tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp cận và ứng dụng các phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài chính, các phần mềm tiện ích, thông minh, các nền tảng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ và đông lao động nữ.
Đẩy mạnh hoạt động của điểm kết nối hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Trung tâm vừa có không gian trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản, vừa có không gian giao lưu chia sẻ, kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến. Nâng cao hiệu quả của điểm kết nối trực tiếp và trang Fanpage “Chợ nhà mình”.
Ngoài ra tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền tại các địa bàn khu dân cư, khu chung cư trong và ngoài thành phố vào ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần để tăng cường đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Theo Báo Chính Phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu