Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc của ông Vũ Thế Trường: Phía sau hành trình tăng vốn
Chân dung Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc) được thành lập ngày 2/6/2004 với vốn điều lệ chỉ 2,4 tỷ đồng và 10 nhân sự. Dự án đầu tay của công ty là phố chợ Phủ (Hải Dương) với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
Những năm sau đó, Tây Bắc mở rộng đầu tư bất động sản với 2 loại hình chính là khu đô thị và phố chợ. Dự án khu đô thị tiêu biểu có thể kể đến như: Hưng Định City (Bình Định), Mỹ Tho Riverside (Tiền Giang), khu đô thị mới chợ Cốc (Bắc Giang), Shining City (Sơn La)… Dự án phố chợ tiêu biểu là Vĩnh Trụ (Hà Nam), Phú Khương (Bến Tre).
Tây Bắc cũng ghi dấu ấn tại khu đô thị Thành phố giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Geleximco làm chủ đầu tư. Do vậy từ năm 2017, công ty đã chuyển trụ sở từ phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội về khu đô thị này. Và cũng từ đây, mối liên kết làm ăn giữa Tây Bắc và Geleximco càng thêm bền chặt mà điển hình là việc hợp tác tại dự án dự án khu dân cư hai bên đường Lý Tự Trọng (nối dài) và vùng phụ cận, tỉnh Gia Lai.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc do ông Vũ Thế Trường làm chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Ngọc Sơn làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Sơn sinh năm 1977, thường trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội.
Tính đến năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Thế Trường nắm 81%, ông Vũ Thế Tuấn nắm 2% còn bà Bùi Thị Thu đã thoái vốn.
Tháng 7/2018, danh sách cổ đông ghi nhận ông Vũ Thế Trường nâng sở hữu lên 83% trong khi ông Vũ Thế Tuấn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Cuối năm 2018, công ty tăng vốn lên 350 tỷ đồng rồi ngay sau đó tăng tiếp lên 500 tỷ đồng. Một năm sau, công ty tiếp tục tăng vốn lên 650 tỷ đồng.
Tháng 12/2020, công ty tăng vốn lên 850 tỷ đồng, tháng 7/2021 tăng lên 1.050 tỷ đồng và chốt lại ở mức 1.155 tỷ đồng vào tháng 8/2021.
Như vậy có thể thấy trong vòng 3 năm, quy mô vốn điều lệ của Tây Bắc đã “nở ra” gấp 4 lần. Việc tăng vốn điều lệ liên tục đã giúp cải thiện rất lớn bức tranh tài chính của công ty này và phục vụ cho việc đầu tư dự án, mang lại đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng.
Bức tranh tài chính
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc đã tăng đáng kể từ 1.141 tỷ đồng lên 1.388 tỷ đồng rồi 1.737 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tài sản qua các năm đều trên 20%.
Cơ cấu tài sản nổi bật với sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 120 tỷ đồng lên 243 tỷ đồng rồi 389 tỷ đồng. Tức trong 3 năm, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng gấp 3,2 lần. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm nhẹ qua các năm, từ 698 tỷ đồng xuống 654 tỷ đồng rồi xuống tiếp 597 tỷ đồng, tính chung 3 năm giảm 14%.
Điều đáng nói là tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản giảm dần qua các năm, từ 71% năm 2017 xuống còn 56% năm 2019, cho thấy chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể.
Ở phần nguồn vốn, mức độ cải thiện cũng khá rõ. Nợ phải trả qua các năm 2017 – 2019 là 882 tỷ đồng, 816 tỷ đồng và 967 tỷ đồng. Tuy có tăng về giá trị, song mức độ tài trợ cho tổng tài sản đã giảm mạnh, từ 77% năm 2017 xuống 55% năm 2019.
Có được điều này là nhờ Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc đã miệt mài tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng (2017) lên 650 tỷ đồng (2019), đưa vốn chủ sở hữu tăng tương ứng từ 259 tỷ đồng lên 769 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy hành trình tăng vốn đã giúp ích rất nhiều cho Tây Bắc trong việc cải thiện các chỉ số trên bảng cân đối kế toán. Điểm chưa được có lẽ là “của để dành” khá ít: người mua trả tiền trước ngắn hạn năm 2019 chỉ 77 tỷ đồng trong khi doanh thu chưa thực hiện dài hạn là 0 đồng.
Bức tranh kinh doanh
Giai đoạn 2017 – 2019, Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu thuần, từ 130 tỷ đồng lên 516 tỷ đồng rồi 656 tỷ đồng, tính chung 3 năm, doanh thu thuần đã tăng gấp 5 lần.
Lợi nhuận gộp cũng theo đó tăng trưởng, từ 20 tỷ đồng lên 172 tỷ đồng rồi 227 tỷ đồng, tức tăng 11 lần qua 3 năm. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 15,3% lên 34,6% -mức khá cao trong ngành bất động sản.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư tài chính dài hạn (tăng từ 149 tỷ đồng năm 2017 lên 569 tỷ đồng năm 2019), doanh thu tài chính tăng từ 6 tỷ đồng lên 18 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.
Kết quả là công ty báo lãi trước thuế tăng rất mạnh qua các năm, lần lượt là: 275 triệu đồng, 85 tỷ đồng và 144 tỷ đồng.
Về dòng tiền, năm 2018, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc âm 89 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu (87 tỷ đồng) và tăng các khoản phải trả (112 tỷ đồng). Tuy nhiên năm 2019, dòng tiền kinh doanh đã đảo chiều dương tới 200 tỷ đồng, nhờ vào việc giảm các khoản phải trả và hàng tồn kho.
Nhờ màn tăng vốn liên tục qua các năm, dòng tiền tài chính của công ty khá dồi dào, đủ bù đắp cho quá trình đầu tư, kết quả là lưu chuyển tiền thuần dương 31 tỷ đồng (2018) và 37 tỷ đồng (2019), giúp lượng tiền và tương đương tiền được bổ sung qua các năm, đạt 75 tỷ đồng tại ngày kết thúc năm 2019.
Có thể thấy bức tranh tài chính và kinh doanh của Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc giai đoạn 2017 – 2019 khá tốt, phần lớn nhờ vào sự bổ sung vốn liên tục. Với cơ sở này, dư địa để tăng cường đầu tư của công ty trong những năm tới là khá rộng mở.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu