Hải Phòng: Lần đầu tiên phạt 10 năm tù một đối tượng cầm đầu hoạt động vận chuyển động vật hoang dã
Hải Phòng: Lần đầu tiên phạt 10 năm tù một đối tượng cầm đầu hoạt động vận chuyển động vật hoang dã
Ngày 18/7/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng vừa xét xử đối tượng Hoàng Văn Hảo 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, vào ngày 02/02/2023 và ngày 03/02/2023, lực lượng Hải quan cảng Hải Phòng, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp với các đơn vị có liên quan đã kiểm tra hai container có dấu hiệu nghi vấn và thu giữ 615 kg ngà voi được trà trộn với sừng bò châu Phi.
Đơn vị nhận hàng trên vận đơn là Công ty Cổ phần Kỹ thuật HMD (địa chỉ: Đội 6, thôn Thụy Ứng, Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) do đối tượng Hoàng Văn Hảo là người đại diện theo pháp luật.
Thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín được biết đến là một trong những điểm nóng về hoạt động nhập lậu ngà voi, sừng tê giác từ các nước Châu Phi về Việt Nam. Việc trà trộn các mặt hàng ĐVHD bị cấm với các loại hàng hóa hợp pháp như sừng bò châu Phi cũng là một cách thức nhiều đối tượng lợi dụng để nhập lậu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê về Việt Nam.
Trong thời gian qua, với lợi thế vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, chi phí thấp và rủi ro bị phát hiện và xử lý còn chưa cao, nhiều đối tượng đã sử dụng đường hàng hải để vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia. ENV đã ghi nhận nhiều vụ án các cơ quan chức năng phát hiện hàng tấn ĐVHD bị các đường dây vận chuyển trái phép cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), các cảng tại Hải Phòng và một số cảng biển khác. Tuy nhiên, rất ít các vụ án phát hiện tại khu vực cảng biển đã được đưa ra xét xử.
Do đó, việc cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự và đưa ra xét xử thành công đối tượng cầm đầu hoạt động nhập lậu động vật hoang dã (ĐVHD) qua đường hàng hải như đối tượng Hảo là một bước tiến vô cùng quan trọng. Vụ án này cũng là vụ vận chuyển trái phép ĐVHD đầu tiên phát hiện tại cảng Hải Phòng có đối tượng bị bắt giữ và được đưa ra xét xử.
“ENV rất hoan nghênh nỗ lực điều tra, truy tố, xét xử vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng, đặc biệt là bản án nghiêm khắc này của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng với đối tượng Hoàng Văn Hảo – được biết đến là đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên vận chuyển trái phép ĐVHD về Việt Nam. ENV hi vọng nỗ lực tuyệt vời của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng trong việc xử lý thành công vụ án này cũng sẽ “mở đường” cho việc xử lý các đối tượng cầm đầu những vụ án nghiêm trọng về ĐVHD khác phát hiện tại cảng Hải Phòng và các cảng biển khác tại Việt Nam trong những thời gian tới. Với hành động cương quyết, tinh thần KHÔNG KHOAN NHƯỢNG với tội phạm về ĐVHD của các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng, ENV tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể triệt phá thành công được các đường dây buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia và từ đó xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép trên toàn cầu.” Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV tin tưởng.
Được biết, ngoài bản án 10 năm tù, đối tượng Hảo cũng bị phạt bổ sung 50.000.000 đồng và toàn bộ tang vật của vụ án sẽ được tiêu hủy.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ngà voi trái phép tùy theo khối lượng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 360 triệu đồng (đối với cá nhân) theo Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù (đối với cá nhân) theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với khối lượng ngà voi bị thu giữ từ 90 kg trở lên, các đối tượng có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với cá nhân.
Chỉ trong vòng 5 năm (2019-2023), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 2.037 vụ vi phạm liên quan đến ngà voi với 4.864 vi phạm (một vụ vi phạm có thể bao gồm nhiều vi phạm đơn lẻ), cao hơn nhiều so với 662 vụ (với 1.777 vi phạm) được ghi nhận trong giai đoạn 5 năm trước đó (2014-2018).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị