Thanh Hóa: Kết quả phân tích mẫu nước vụ việc cá chết dân nghi ngờ ô nhiễm do trang trại lợn

Thanh Hóa: Kết quả phân tích mẫu nước vụ việc cá chết dân nghi ngờ ô nhiễm do trang trại lợn

Ngày 17/7, Sở tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có công văn số 6402/STNMT-BVMT về việc kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường. Theo đó, có một số thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải…

Ngày 05/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa nhận được đề nghị từ UBND huyện Như Xuân phản ánh về Trang trại Bãi Trành của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân gây ô nhiễm môi trường nước Khe Sào, ảnh hưởng đến đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Để làm rõ nội dung phản ánh, cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Như Xuân, UBND xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, với sự tham gia của UBND huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, UBND xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và đại diện công dân (03 công dân) làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn làm việc với Lãnh đạo Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, kiểm tra thực tế công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi lợn của Công ty và khảo sát một số vị trí Khe Sào (Khe Sào phía tỉnh Nghệ An, suối Tổng Kho phía tỉnh Thanh Hóa). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa có ý kiến như sau.

Thông tin chung: Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trang trại Bãi Trành tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân tại Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 19/01/2021, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1820/QĐ-UBND, ngày 29/05/2023; theo đó, mục tiêu đầu tư là xây dựng Trang trại nuôi lợn và sản xuất lợn giống, hoạt động trên diện tích đất khoảng 20,5ha. Quy mô, công suất dự án: 04 chuồng nuôi lợn mang thai, 08 chuồng nuôi lợn nái đẻ, 42 chuồng nuôi lợn thịt, 02 chuồng nuôi lợn cách ly lợn nái, 02 chuồng nuôi lợn cách ly lợn thịt. Tổng công suất chăn nuôi của 02 giai đoạn là 2.400 con lợn nái, 20.000 con lợn thịt/lứa (giai đoạn 1: 1.200 con lợn nái, 10.000 con lợn thịt/lứa; giai đoạn 2: 1.200 con lợn nái, 10.000 con lợn thịt/lứa); Trang trại đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 4612/QĐ-UBND ngày 16/11/2021, cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất số 62/GP-UBND ngày 14/4/2022, cấp Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND ngày 23/11/2023; trang trại đã ký hợp đồng quản lý và vận hành hệ thống xử lý nước thải số 21.04/2024/HĐKT/TV-MA ngày 220/4/2024 với Công ty TNHH Xây dựng và môi trường Minh An (có địa chỉ tại tỉnh Hải Dương).

Hiện nay, trang trại đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải theo giấy phép môi trường để đánh giá hiệu quả, hiệu suất xử lý; Theo báo cáo của Lãnh đạo UBND huyện Như Xuân, thời gian qua UBND huyện thường xuyên theo dõi, giám sát và nắm bắt công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, quá trình kiểm tra, giám sát ghi nhận Công ty đã cơ bản hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường, đầu tư các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây UBND huyện đã tiếp nhận một số ý kiến phản ánh của người dân khu vực, của UBND huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An về hoạt động nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước Khe Sào.

Do không có chuyên môn về đo đạc mẫu môi trường nước để đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước Khe Sào nên UBND huyện đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, lấy mẫu nước để phân tích, xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm để trả lời nhận dân và UBND huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; Theo báo cáo của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, sau khi nắm bắt được thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, ý kiến phản ánh của UBND huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về vấn đề nước thải, Công ty đã chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải rà soát, tăng cường các giải pháp xử lý nước thải theo quy trình kỹ thuật được nêu trong giấy phép môi trường, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép.

Mặc dù, vấn đề về nước thải chuồng trại là có nhưng đến nay đã được xử lý, kiểm soát và giảm thiểu triệt để. Qua buổi làm việc, Công ty xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường; kết quả quan trắc, lấy mẫu nước của cơ quan có chức năng, nếu các thông số ô nhiễm vượt QCCP thì Công ty xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định.

tm-img-alt
Dòng nước đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc, xác cá chết nổi lềnh bềnh tại khe suối dân sinh.

Thời điểm kiểm tra, trang trại đang nuôi 1.200 lợn nái, 12.000 lợn thịt (12 chuồng nuôi lợn thịt, 06 chuồng nuôi lợn nái); đã đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 450m3 /ngày đêm, hệ thống đang vận hành, hoạt động bình thường. Kiểm tra hồ chứa nước sau xử lý cho thấy, hồ không được lót bạt, gia cố thành đáy đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải ra môi trường (Khe Sào); kiểm tra các khu xử lý môi trường khác cho thấy, đã bố trí khu chứa phân, khu tập kết chất thải rắn, lò đốt hủy xác lợn chết, nhau thai lợn, đã lắp dựng lưới chắn mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi. Tuy nhiên, không lắp đặt đường ống PVC D110 để xả nước thải sau xử lý ra môi trường (tọa độ vị trí xả thải: X=215.4434.7; Y=540417.80) theo giấy phép môi trường được cấp.

Khảo sát thực tế một số vị trí trên tuyến Khe Sào tại xã Nghĩa Yên cho thấy, nước có màu nâu màu cánh dán, bề mặt nước có váng, một số vị trí có vài xác cá bị chết. Khảo sát suối Tổng Kho tại xã Bãi Trành, phía trên Khe Sào cho thấy, nước có màu trong, không phát hiện xác cá bị chết. Hiện nay, Khe Sào đang rất ít nước, chỉ tồn đọng ở các hố trũng, gần như không có dòng chảy; phía thượng nguồn Khe Sào (khoảng 03 km) không có các hoạt động sản xuất công nghiệp, không có nguồn nước thải vào Khe Sào ngoài nước thải sinh hoạt của một số hộ dân và nước thải từ hoạt động chăn nuôi trang trại của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt.

Theo ý kiến của công dân thôn 13 xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Khe Sào là nơi chứa đựng nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, trước đây nước trong xanh nhưng đến nay đã bị ô nhiễm bởi hoạt động nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, người dân địa phương rất bức xúc, hoang mang, lo lắng. Yêu cầu trang trại khẩn trương khắc phục sự việc trên, không tái diễn, trả lại môi trường nước trong sạch để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Đề nghị các cấp, ngành sau khi có kết quả kiểm tra, kết quả mẫu môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm, có thông báo kết quả kiểm tra đến nhân dân được biết.

Ý kiến của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Đàn và Lãnh đạo UBND xã Nghĩa Yên, thời gian qua, đã có một số lần người dân phản ánh đến huyện, xã về vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi lợn của Công ty Tâm Việt, huyện, xã có ý kiến đến UBND huyện Như Xuân và đề nghị kiểm tra, xác minh, xử lý dứt điểm nội dung phản ánh.

Kiểm tra thực tế nguồn nước Khe Sào cho thấy, nước có màu đen, đặc trưng của nước thải chăn nuôi; kiểm tra, khảo sát trang trại Tâm Việt cho thấy, đã có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về môi trường, đầu tư vận hành thường xuyên, đầy đủ, đúng quy trình công trình xử lý nước thải, chỉ xả nước thải ra môi trường khi các thông số trong nước thải đạt quy chuẩn cho phép. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa sớm có kết quả phân tích mẫu nước, xác định nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm để trả lời công dân.

Ý kiến của Lãnh đạo UBND huyện Như Xuân, UBND xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã Bãi Trành nắm bắt tình hình, ghi nhận toàn bộ nội dung sự việc để có hướng giải quyết, tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và kịp thời báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, quan trắc, phân tích chất lượng nước và xác định nguyên nhân để trả lời công dân. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm vi phạm gây ô nhiễm đối với trang trại (nếu có), sau khi có kết quả giải quyết, kết quả quan trắc mẫu nước thông tin đến các đơn vị liên quan của huyện để thông báo đến người dân về sự việc.

Kết quả quan trắc mẫu nước: Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy 02 mẫu nước thải của trang trại, 04 mẫu nước mặt (02 mẫu nước Khe Sào, 01 mẫu tại suối Tổng Kho, 01 mẫu nước khe từ phía Trang trại thải ra suối Tổng Kho) để phân tích, đánh giá; Kết quả phân tích mẫu nước thải (NT1, NT2) so sánh với QCVN 62- MT/2016/BTNMT cột B, Kq=0,9, Kf=1,0 cho thấy, (mẫu NT1) các chỉ tiêu phân tích đạt QCCP; (mẫu NT2) có chỉ tiêu COD vượt 1,3 lần, BOD5 vượt 1,68 lần, Coliform vượt 07 lần, các chỉ tiêu phân tích khác đạt QCVN; Kết quả phân tích mẫu nước mặt so sánh với QCVN 08:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (Bảng 2) – Giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước sông, suối, khe, mương và bảo vệ môi trường sống dưới nước (mức A, B, C, D)2 , cho thấy: Chỉ tiêu BOD5 trong mẫu NM3 ở mức A, trong các mẫu NM1, NM2, NM4 ở mức D; Chỉ tiêu COD trong mẫu NM3 ở mức A, trong các mẫu NM1, NM2, NM4 ở mức D; chỉ tiêu TSS trong mẫu NM1, NM2, NM3 ở mức A, trong mẫu NM4 ở mức C; chỉ tiêu Tổng P trong mẫu NM3 ở mức B, trong các mẫu NM1, NM2, NM4 ở mức D; chỉ tiêu Tổng N trong mẫu NM3 ở mức C, trong các mẫu NM1, NM2, NM4 ở mức D; chỉ tiêu Coliform trong các mẫu NM1, NM2, NM3 ở mức B, trong mẫu NM4 ở mức D.

Nhận xét: Trang trại nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt đi vào hoạt động đã có một số hồ sơ về môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; đã đầu tư các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo giấy phép môi trường được cấp (NT1 – Mẫu nước thải sau xử lý tại cửa xả ra hồ chứa (tọa độ 2154434/0540417); NT2 – Mẫu nước thải tại hồ chứa nước tái sử dụng tiếp nhận nước thải sau xử lý (tọa độ 2154437/0540423); NM1 – Mẫu nước tại Khe Sào đoạn chảy qua làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên (tọa độ 2153562/0539708); NM2 – Mẫu nước tại Khe Sào đoạn chảy qua làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên (tọa độ 2153610/0539732); NM3 – Mẫu nước suối Tổng Kho đoạn trước khi chảy qua khu vực trang trại (tọa độ 2154399/0540380); NM4 – Mẫu nước tại khe nước từ phía trang trại chảy vào suối Tổng Kho (tọa độ 2154382/0540385). (Mức A: Chất lượng nước tốt. Hệ sinh thái trong môi trường nước có hàm lượng oxy hòa tan cao. Nước có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Mức B: Chất lượng nước trung bình. Hệ sinh thái trong nước tiêu thụ nhiều oxy hòa tan do một lượng lớn chất ô nhiễm. Nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Mức C: Chất lượng nước xấu. Hệ sinh thái trong nước có lượng oxy hòa tan giảm mạnh do chứa một lượng lớn các chất ô nhiễm. Nước không gây mùi khó chịu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Mức D: Nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thuỷ và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp)..

tm-img-alt
Công văn của Sở tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa về việc kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường của người dân xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn(Nghệ An) của trang trại lợn Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt đóng tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Tuy nhiên, nước thải sau xử lý của trang trại thải ra hồ chứa sau một thời gian bị tái ô nhiễm do tù đọng lâu ngày và do yếu tố tác động của điều kiện thời tiết (nắng nóng kéo dài) dẫn đến làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước. Do hồ chứa nước không được lót bạt thành đáy đảm bảo chống thấm dẫn đến nước rò rỉ, thẩm thấu ra Khe Sào. Như vậy, việc phản ánh của người dân, chính quyền các địa phương huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa về hoạt động nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm môi trường nước Khe Sào là có cơ sở.

Kết quả phân tích mẫu nước suối Tổng Kho đoạn trước khi đi qua trang trại có chất lượng tốt, nước Khe Sào và khe nước từ trang trại chảy ra suối Tổng Kho có chất lượng xấu, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm về hữu cơ và dinh dưỡng ở mức cao, không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu sử dụng nguồn nước này, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt do đã có các hành vi vi phạm: (1) Xả nước thải (thông qua việc thẩm thấu từ ao chứa nước thải ra ngoài môi trường) có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; (2) Thực hiện không đúng một trong các nội dung của Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND ngày 23/11/2023 đã được UBND tỉnh cấp, với tổng số tiền xử phạt là 120.363.454 đồng (Một trăm hai mươi triệu ba trăm sáu ba nghìn bốn trăm năm mươi bốn đồng chẵn).

Kiến nghị: Yêu cầu Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt: Bơm hút toàn bộ nước sau xử lý tại hồ chứa nước về hệ thống xử lý nước thải để xử lý lại, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN; gia cố thành đáy hồ chứa nước đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải có chứa thông số ô nhiễm ra Khe Sào, thời gian hoàn thành xong trước 05/8/2024; lắp đặt đường ống, biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải từ trang trại ra suối Tổng Kho theo đúng tọa độ giấy phép môi trường được cấp; lắp đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải ra môi trường, đo nước tuần hoàn cho tưới cây, nước tái sử dụng cho các mục đích khác; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải, ghi chép đầy đủ thông tin nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải (lưu lượng nước đầu vào, đầu ra, loại và lượng hóa chất sử dụng,..); vận hành thường xuyên, đúng quy trình công trình xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt QCCP trước khi thải ra môi trường, sử dụng cho tưới cây; khẩn trương rà soát, hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải, đảm bảo hệ thống đánh giá đúng hiệu quả, hiệu suất công đoạn, công trình xử lý; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, quy định khác về bảo vệ môi trường nêu trong Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND ngày 23/11/2023 đã được UBND tỉnh cấp cho Công ty.

Đề nghị UBND huyện Như Xuân: Chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan, UBND xã Bãi Trành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung, yêu cầu nêu trên đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm theo quy định (nếu có); tiếp tục nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn các hành vi quá khích, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình để kích động nhân dân tụ tập đông người, cản trở thực hiện dự án.

Đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn: Thông tin đến người dân trên địa bàn được biết về kết quả kiểm tra, xử lý, giải quyết phản ánh của cơ quan có chức năng tỉnh Thanh Hóa đối với Trang trại Bãi Trành của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt tại thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân; tiếp tục nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn các hành vi quá khích, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình để kích động nhân dân tụ tập đông người, cản trở thực hiện dự án.

Như vậy, việc phản ánh của nhân dân xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn(Nghệ An) về việc trang trại lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm môi trường nước Khe Sào, ảnh hưởng đến đến đời sống và sinh hoạt là có cơ sở.

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có hình thức xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Mang lại cuốc sống trong lành cho người dân nơi đây.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích