Hà Nội những kết quả đạt được trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến, lĩnh vực và mặt hàng trọng điểm.
Cụ thể, trên tuyến hàng không, bưu chính: Hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, trị giá cao với các mặt hàng vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, sản phẩm động vật hoang dã thuộc danh mục Cites và hàng giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi, phổ biến như: Lợi dụng việc phân luồng kiểm tra khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng tránh bị phân luồng đỏ; lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều tên người nhận khác nhau sau đó thu gom lại; khai báo sai thông tin về hàng hóa; khai báo tên hàng là các mặt hàng thông thường khác được phép nhập khẩu; một vận đơn mở nhiều tờ khai, tờ khai phân luồng đỏ thì thực hiện hủy tờ khai; thay đổi thông tin người nhận hàng; từ chối nhận hàng hoặc bỏ hàng nếu lô hàng bị phát hiện là hàng cấm; thành lập những doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục hải quan; xé nhỏ hàng hóa loại hình chuyển phát nhanh gửi cho nhiều người nhận để mỗi cá nhân nhận hàng, lượng hàng hóa sẽ có trị giá thấp, khai báo thấp trị giá hàng hóa để không phải khai báo hải quan khi làm thủ tục nhận hàng…
Đặc biệt, hoạt động vận chuyển ma túy qua đường hàng không tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng dưới dạng “quà biếu” qua chuyển phát nhanh hoặc hàng “xách tay”, thông qua việc lợi dụng người làm dịch vụ giao và chuyển hàng, du học sinh, tiếp viên hàng không; trà trộn cất giấu, đóng lẫn ma túy vào trong các hộp, bao bì hàng hóa khác.
Trên địa bàn nội địa: Tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm vận chuyển, tập kết, giao nhận hàng, các chủ hàng thường ngụy trang, chia nhỏ hàng hóa cất giấu nhiều nơi, nhằm né tránh sự kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như: thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại.
Điển hình, ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với phòng PC03, Công an Hà Nội và Công an huyện Mê Linh kiểm tra Kho lạnh tại địa chỉ: Lô 11, khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội phát hiện 11.900 kg dạ dày lợn, có nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất.
Đối với mặt hàng thuốc lá: Các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; chào bán, quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội hoặc lợi dụng mô hình chuyển phát hàng hóa để vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá điện tử.
Điển hình, ngày 5/1, phòng PC03, Công an Hà Nội phát hiện đối tượng có hành vi mua thuốc lá xì gà do nước ngoài sản xuất trên facebook để bán lại kiếm lời. Tang vật thu giữ là 7.853 điếu thuốc lá xì gà có khối lượng 77,179 kg.
Ngày 6/5, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa tại địa chỉ số 15, ngõ 69 đường Vạn Xuân, Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội phát hiện 18 chiếc máy hút thuốc lá điện tử, 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử, 6.300 gói dạng thuốc lá thành phẩm.
Đối với mặt hàng pháo nổ: Các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản xuất pháo nổ sau đó rao bán, quảng cáo trên các trang mạng xã hội để bán kiếm lời.
Đối với lĩnh vực hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra. Hàng hóa vi phạm tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như quần áo may sẵn, đồ thời trang, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ tùng ô tô, xe máy…
Hàng giả, giả mạo nhãn hiệu còn được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng máy móc để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp đưa ra thị trường tiêu thụ.
Lĩnh vực thương mại điện tử: Hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng. Thậm chí các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội facbook, youtube ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở một nơi khác và thường không cố định gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm…
Kết quả 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 12.032 vụ, trong đó có 1.911 vụ vi phạm hàng cấm, hàng lậu, 8.659 vụ gian lận thương mại, 866 vụ hàng giả; khởi tố 118 vụ, với 175 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 4.744.330 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết:
6 tháng đầu năm 2024, công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị sở ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tuần tra kiểm soát, xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp, xử lý các hành vi vi phạm, ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, thời gian tới các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố:
Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND TP. Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai các giải pháp, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ;
Chủ động dự báo, nắm bắt tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; tăng cường công tác chống đầu cơ, găm hàng, các quy định của pháp luật về giá nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp lễ, Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa; chú trọng đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử;
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng;
Tiếp tục xác định công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị, thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời đến các cá nhân, tổ chức về các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh; thông tin tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định phù hợp hơn với thực tế và tình hình mới.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố:
Tham mưu xây dựng Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025; Kế hoạch kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết nguyên đán 2025 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố. Thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố.
Theo Thương Hiệu Và Công Luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu