Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc nhà mái bổi ở huyện ven biển Kim Sơn

(Xây dựng) – Ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), một số gia đình vẫn còn lưu giữ được những ngôi nhà mái bổi với lối kiến trúc độc đáo, được làm từ cây cói đặc trưng của vùng ven biển. Những ngôi nhà này tuy mộc mạc, giản dị những rất gần gũi và mang đậm nét văn hóa riêng của đất và người Kim Sơn.

Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc nhà mái bổi ở huyện ven biển Kim Sơn
Ngôi nhà mái bổi của hộ gia đình ông Vũ Văn Phi có tuổi đời khoảng 160 năm.

Anh Vũ Văn Phi, xóm 7A, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, người đã gắn bó với ngồi nhà mái bổi từ thủa thơ ấu chia sẻ: Ngôi nhà mái bổi hiện gia đình đang sinh sống đã trải qua 5 đời ông cha truyền lại và có tuổi đời khoảng 160 năm. Nhà mái bổi được lợp bằng những thân cây cói, đây là loài cây đặc trưng của vùng ven biển Kim Sơn thích nghi và sinh trưởng tốt ở vùng nước lợ.

Cây cói được chọn để lợp mái phải là những cây thân to, ngắn, được phân loại kỹ lưỡng sau khi thu hoạch, sau đó phơi khô mới có thể dùng để lợp mái nhà. Nóc mái nhà được thiết kế thêm những ụ cói nhỏ được bện chặt vào xà nhà nhằm giữ chặt mái để đảm bảo an toàn cho tổng thể ngôi nhà. Chiều dày lớp mái bổi 0,7-1m nên mùa hè khi bước vào nhà thì rất thoáng mát, còn mùa đông thì lại ấm áp.

Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc nhà mái bổi ở huyện ven biển Kim Sơn
Lớp mái bổi có chiều dày 0,7-1m nên giữ cho ngôi nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ về mùa hè.

Ngôi nhà mái bổi 160 năm tuổi của hộ gia đình anh Phi có lối kiến trúc độc đáo, 7 gian 2 chái với tổng chiều dài 17m; rộng 4m; hiên nhà rộng 1,8m. Phía trong nhà từ kèo cột, đến khung nhà đều được làm từ những cây gỗ lim vuông nguyên khối vô cùng chắc chắn, đòn tay bằng luồng, được gia đình giữ nguyên vẹn từ bao đời nay, chỉ thay thế phần cửa do bị mối mọt.

Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc nhà mái bổi ở huyện ven biển Kim Sơn
Khung nhà được làm bằng những cây gỗ lim vuông nguyên khối.

Ngôi nhà có kết cấu rời, không liền khối, các cột lim chỉ được dựng trên các phiến đá thế nhưng trải qua hơn trăm năm hứng chịu không biết bao nhiêu cơn bão lớn, nhỏ thế nhưng ngôi nhà mái bổi vẫn sừng sững, hiên ngang chưa lần nào bị hư hỏng do bão gió.

Anh Phi cho biết: Qua từng năm, nhà mái bổi sẽ bị rụng xuống và xoăn lớp cói trên cùng nên phải thuê thợ về dặm, chải mái. Cứ sau 3 năm sẽ phải tu sửa lớp mái bổi và khoảng 20 – 30 năm phải tháo hoàn toàn lớp mái bổi ra để lợp lại. Chi phí mỗi lần tu sửa lên tới hàng trăm triệu đồng do giá cói đắt, ít người trồng và thợ lợp mái bổi hiện không còn nhiều nên công thợ rất cao.

Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc nhà mái bổi ở huyện ven biển Kim Sơn
Cột nhà bằng gỗ lim có tuổi đời 160 năm nhưng vẫn vô cùng chắc chắn.

Được biết, trên địa bàn huyện Kim Sơn còn khoảng 10 ngôi nhà mái bổi và tập trung chủ yếu ở xã Lai Thành, Đồng Hướng, Kim Mỹ. Đây không chỉ là nét độc đáo trong kiến trúc mà còn là dấu ấn đặc sắc trong phong tục tập quán, sinh hoạt và văn hóa của người dân huyện ven biển Kim Sơn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích