Người đứng đầu các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, thiết bị y tế

Bộ Y tế cho hay thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để các đơn vị áp dụng thực hiện.

Bộ Y tế cũng đánh giá quy định của pháp luật về đấu thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Trong đó nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế như được sử dụng tối thiểu một báo giá hoặc sử dụng báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu.

Đồng thời tạo hành lang pháp lý, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các chủ đầu tư yên tâm, chủ động triển khai thực hiện. Từ đó giúp cơ sở y tế công lập kịp thời mua sắm được thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế cho biết người đứng đầu các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa

Để bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Các đơn vị đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.

Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương theo đúng quy định.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định. Chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Bộ Y tế cũng cho hay, thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung sẽ được điều tiết số lượng phù hợp với tình hình sử dụng thuốc thực tế ở từng địa phương so với dự trù ban đầu, hạn chế được tình trạng thừa thiếu thuốc cục bộ ở các địa phương.

Việc mua sắm tập trung tạo điều kiện để nhiều nhà thầu tham dự, đảm bảo tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để các đơn vị tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn; giúp đảm bảo thống nhất về giá và ổn định thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí trong công tác tổ chức đấu thầu.

Ngoài ra, Điều 18 Thông tư số 07/2024/TT-BYT cũng quy định việc áp dụng chỉ định thầu giúp khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở trong trường hợp cấp bách. Điều 35 Thông tư số 07/2024/TT-BYT cũng bổ sung quy định về tùy chọn mua thêm nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc khi cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng bổ sung thuốc trong thỏa thuận khung và vượt quá khả năng điều tiết và số lượng được phân bổ.

Liên quan tới vấn đề đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, trước đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 179/CĐ-TTg về việc thể chế hóa Nghị quyết 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh nhất là tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập phải tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ và Nhân dân để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa Nghị quyết số 30.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành các văn bản cần thiết khác thuộc thẩm quyền.

Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ ban hành các văn bản trên. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích