Công ty Xi măng Thành Thắng Group xả thải gây ô nhiễm môi trường
Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group xả thải nước sinh hoạt vượt quy chuẩn kỹ thuật
Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh vừa ký ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước tại Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group (thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Dự án của công ty xi măng này có tổng diện tích trên 94ha, với 5 dây chuyền sản xuất và sử dụng số lượng lao động gần 1.400 người.
Qua công tác thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp lắp đặt đường ống để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, không có trong quy trình vận hành đã được cấp giấy phép môi trường; xả nước thải sinh hoạt vượt quy chuẩn kỹ thuật 1,03 lần giá trị giới hạn cho phép.
Cụ thể, từ năm 2020 – 2021, công ty đã thực hiện quan trắc khí thải không đúng tần suất. Tuy nhiên, thanh tra cho rằng các hành vi này đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group vi phạm về xả nước thải sinh hoạt vượt quy chuẩn. Ảnh: Tạp chí MT&CS
Ngoài ra, Công ty Xi măng Thành Thắng còn không phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình khai thác nước và các cơ quan liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa.
Với những vi phạm trên, Trưởng đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group và chuyển hồ sơ vi phạm đến Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định xử phạt trên 1,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường còn kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty xi măng Thành Thắng, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng giấy phép môi trường; thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh.
Công ty Xi măng Thành Thắng phải sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn; bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng. Trường hợp phát sinh mục đích khai thác, sử dụng nước khác hoặc phải điều chỉnh các nội dung của giấy phép thì phải lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác nước và hồ sơ điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định.
Kết luận thanh tra phải được niêm yết tại trụ sở công ty trong 15 ngày liên tục. Sau khi hoàn thành các nội dung theo yêu cầu, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/7.
Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group do ông Đỗ Văn Tiến là người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện đã hơn 4.000 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Đỗ Văn Tiến; Đỗ Văn Thắng và Công ty Cổ phần đầu tư Thành Thắng Group.
Ông Đỗ Văn Tiến còn được biết đến là chủ tòa lâu đài Thành Thắng nổi tiếng ở Ninh Bình được biết đến là công trình nhà ở cao nhất Đông Nam Á. Lâu đài có tổng diện tích mặt sàn là 15.000m2 và chiều cao tương đương với một tòa nhà 18 tầng. Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 2016 và khánh thành vào năm 2019, Lâu đài Thành Thắng tọa lạc trên Quốc lộ 1A, huyện Gia Viễn, thiết kế dựa trên ý tưởng Nhà thờ Thánh Peter và những công trình ở Vatican. Vị đại gia xi măng đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng nên công trình này.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2023/BXD về các công trình xử lý nước thải
Đây là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư 15/2023/TT-BXD. QCVN 07:2023/BXD có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế QCVN 07:2016/BXD được ban hành theo Thông tư 01/2016/TT-BXD. Theo QCVN 07:2023/BXD sẽ có các loại công trình xử lý nước thải như sau:
Trạm, nhà máy xử lý nước thải: Phải có thiết bị thu gom và khử mùi hoặc phải có các giải pháp ngăn ngừa mùi, khí thải phát tán ra môi trường xung quanh, phải đảm bảo tuân thủ QCVN 05:2023/BTNMT.
Các công trình đơn vị trong trạm, nhà máy xử lý nước thải song chắn rác phải được lắp đặt ở mọi trạm xử lý nước thải với công suất bất kỳ. Bể lắng cát phải được lắp đặt ở mọi trạm, nhà máy xử lý nước thải khi có nguồn phát sinh cát, sỏi. Thiết bị thu dầu mỡ phải được bố trí khi nồng độ dầu mỡ lớn hơn 100 mg/L.
Bể điều hòa dùng để điều hoà lưu lượng và nồng độ chất bẩn trong nước thải. Thể tích bể xác định theo biểu đồ lưu lượng và biểu đồ dao động nồng độ chất bẩn trong nước thải. Trường hợp không có số liệu thì tham khảo số liệu của các trạm, nhà máy tương tự đang hoạt động.
Bể lắng sơ cấp (bể lắng đợt 1) cho phép không phải lắp đặt ở trạm, nhà máy xử lý nước thải khi nước thải đầu vào có hàm lượng chất lơ lửng nhỏ hơn 150 mg/L..
An Dương (T/h)