Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngành nông nghiệp

Xu hướng sử dụng các thực phẩm hữu cơ ngày càng lên ngôi
Xu hướng sử dụng các thực phẩm hữu cơ ngày càng lên ngôi

Hơn 1400 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong nông nghiệp không chỉ quan trọng với sức khỏe của con người mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông nghiệp. Một trong những yếu tố chính của các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong ngành nông nghiệp là bảo đảm an toàn thực phẩm. Các tiêu chuẩn này thường xác định các phương pháp sản xuất, xử lý và bảo quản thực phẩm để đảm bảo rằng chúng không chứa các chất độc hại và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Đồng thời, các tiêu chuẩn này cũng đặt ra các yêu cầu về giám sát và kiểm tra chất lượng thực phẩm để đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng phải cân nhắc đến các yếu tố về phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hợp lý, giảm thiểu lượng nước và năng lượng tiêu thụ, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường là những ưu tiên cần được tính đến khi phát triển các tiêu chuẩn này. Phát triển bền vững không chỉ làm tăng giá trị của sản phẩm, mà còn làm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội.

Ngoài ra, việc đồng nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự công bằng và minh bạch trong thị trường nông nghiệp. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này giúp loại bỏ các rào cản kỹ thuật và thương mại, tạo điều kiện công bằng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Chứng nhận hữu cơ được cấp cho sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm được nuôi trồng và sản xuất trong điều kiện, môi trường hoàn toàn tự nhiên, đáp ứng tiêu chí 3 không: không hóa chất nhân tạo; không hormone kích thích tăng trưởng; không kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 nêu rõ, hàng hóa, sản phẩm được chia thành 2 nhóm. Trong đó sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 (sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn), tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa tự công bố phù hợp tiêu chuẩn áp dụng; còn sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng”.

Để thực hiện 2 luật trên, trong suốt 17 năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 1358 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 107 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), trong đó quản lý vật tư nông nghiệp có 448 TCVN và 35 QCVN, hầu hết sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý.

Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điển hình có thể kể đến như: Tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm (TCVN 5609:2012), Tiêu chuẩn về chất lượng thực phẩm nông nghiệp hữu cơ (TCVN 8890:2011), Tiêu chuẩn về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (TCVN 11407:2017), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp (TCVN 5695:2010), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hợp chuẩn và đánh giá sản phẩm nông nghiệp (TCVN 4054:2009), Tiêu chuẩn về quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp (TCVN 8401:2009), …

Những tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam, từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc rà soát và sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hủy bỏ 127 QCVN không còn phù hợp với thời gian và góp phần đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Ngoài ra, việc thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong ngành nông nghiệp cũng đặt ra một số thách thức. Một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt là sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường quốc tế. Sự khắt khe và không thống nhất trong tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các quốc gia cũng làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, việc thích nghi và đáp ứng kịp thời với những tiêu chuẩn, quy chuẩn này đòi hỏi sự linh hoạt và năng động từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản, các chương trình nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cần được thúc đẩy.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng hiện đang nỗ lực tăng cường hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm để đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu. Chính sách hỗ trợ cụ thể hơn từ Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định và bền vững cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

 

Để nông sản Việt vươn tới toàn cầu

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Chính từ quyết sách đúng đắn này mà nông nghiệp đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Không chỉ giúp nền kinh tế nhanh phục hồi, nông nghiệp còn góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới. Tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành nông nghiệp chính là những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trong nước, cũng như “rộng đường” xuất khẩu tiến vào các thịu trường lớn, tiềm năng.

Tiêu chuẩn VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Tiêu chuẩn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2008 dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam. Tiêu chuẩn gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức/cá nhân sản xuất, thu hoạch và sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng; đảm bảo sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ được môi trường. Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên ASEANGAP – Bộ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong cả quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch đối với rau quả tươi ở các nước trong khu vực ASEAN năm 2006 và các tiêu chuẩn GAP khác trên thế giới. Có 3 nhóm sản phẩm chính là thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi. Tùy theo mỗi loại sản phẩm mà sẽ có những quy định về tiêu chuẩn riêng.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam: Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện dựa trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, IFOAM…) và tiêu chuẩn các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật cùng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc. Tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên của Việt Nam là TCVN 11041-1:2017 được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định kỹ thuật (tiêu chuẩn bắt buộc) do các quốc gia, các vùng lãnh thổ quy định. Các quy định này thường khác nhau, phụ thuộc vào loại sản phẩm, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu và từng tiêu chuẩn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tiêu chuẩn Global G.A.P (Global Good Agricultural Practice) là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, là một bộ tiêu chuẩn (tập hợp các biện pháp kỹ thuật) về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) trên phạm vi toàn cầu. Đây là tiêu chuẩn trước cổng trại, việc chứng nhận bao hàm toàn bộ các quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ đầu vào trang trại như thức ăn, giống và các hoạt động nuôi trồng cho đến khi sản phẩm rời khỏi trang trại.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ – USDA: Đây là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với điều kiện nghiêm ngặt nhất. Sản phẩm hữu cơ dưới chứng nhận của các đại diện thuộc USDA có nhiều cấp bậc, tuy nhiên chỉ những sản phẩm chứa từ 95%-100% nguyên liệu hữu cơ (organic) mới được thể hiện dấu (logo) của USDA trên tem nhãn sản phẩm.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật – JAS: Là tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản quy định về tiêu chí các sản phẩm, nhãn mác tạo điều kiện thuận lợi cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này gồm 2 phần là “hệ thống JAS” và “hệ thống tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng”. Trong đó, hệ thống JAS cho phép các sản phẩm đã qua kiểm tra dựa trên tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản được dán nhãn JAS. Còn với hệ thống tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng nhằm yêu cầu các nhà sản xuất và bán hàng phải dán nhãn sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc chia làm hai loại là quy định bắt buộc và các chứng nhận tự nguyện.

Trong đó, các tiêu chuẩn về chứng nhận tự nguyện bền vững với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc chia ra một số loại như: Chứng nhận hệ thống quản lý về môi trường ISO 14001, Chứng nhận xã hội (chứng nhận về công bằng thương mại và chứng nhận hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – SA 8000), Chứng nhận hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000, Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP), Chứng nhận chất lượng thực phẩm đặc trưng (chỉ dẫn địa lý GI),…

Trong nhiều năm qua, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc luôn nằm trong nhóm 3 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nông sản Việt, ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn rất cao khi vào thị trường chính ngạch của Trung Quốc còn được sự hỗ trợ lớn từ Nghị định thư được hai chính phủ ký kết. Sau Nghị định thư, năm 2023, xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, đây là khởi đầu bền vững cho tăng trưởng xuất khẩu của nông sản Việt.

Điều kiện để nông sản nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là nông sản phải nằm trong danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Theo đó, với từng loại trái cây, cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch trực thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới quyết định cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Đối với sản phẩm trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và là một trong những yếu tố phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo quy định, trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải được thu mua từ những vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.

Riêng đối với thực vật và các sản phẩm từ thực vật nhập khẩu vào Trung Quốc cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm theo luật pháp của Trung Quốc, được dán nhãn an toàn sản phẩm. Hàng hóa lưu thông trên thị trường Trung Quốc phải có nhãn mác kèm theo các thông tin bằng tiếng Trung Quốc.

Trung Quốc yêu cầu hàng thực phẩm như: Kẹo, rượu, quả hạch, thực phẩm đóng hộp,… phải được dán tem và chứng nhận an toàn sản phẩm trước khi cho xuất khẩu và nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải chịu phí dán nhãn có hình và nhãn dính có hình chỉ được đính vào sản phẩm khi có sự đồng ý của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Yêu cầu về nhãn mác của Trung Quốc rất đa dạng, phụ thuộc vào loại hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ các thông tin cơ bản sau: tên sản phẩm, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói (đối với trái cây), nơi đến bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh…

 

Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp loại bỏ các rào cản kỹ thuật và thương mại
Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp loại bỏ các rào cản kỹ thuật và thương mại

Đạt chuẩn xuất ngoại thúc đẩy nâng cao chất lượng nội địa

Trong những năm qua, nông sản Việt Nam liên tiếp chinh phục hàng loạt thị trường cao cấp với các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe phần nào cũng giúp kích thích các tiêu chuẩn nội địa phải dần bắt kịp tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường nội địa 100 triệu người tiêu dùng “ngày càng thông thái hơn”. Khi mua sản phẩm, họ không chỉ quan tâm tới các tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, tiêu chuẩn TCVN hữu cơ mà còn quan tâm các thông số truy xuất nguồn gốc xuất xứ… Thậm chí, khách hàng còn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, môi trường làm việc của người sản xuất…

Ông Nguyễn Đình, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, một đơn vị xuất khẩu trái cây lớn đến hàng chục quốc gia nhận định: “Thị trường 100 triệu dân là rất lớn. Đẩy mạnh nông sản tiêu chuẩn cao tại nội địa chính là con đường đúng đắn để doanh nghiệp phát triển bền vững. Các doanh nghiệp bán hàng, siêu thị ký kết trực tiếp tiêu thụ nông sản với nông dân cần khuyến khích, ưu tiên lựa chọn tiêu thụ rau, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGap”.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, kiểm soát chặt hơn việc cấp giấy chứng nhận vùng trồng, an toàn thực phẩm với nông sản. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng công bố công khai, minh bạch danh sách những cơ sở đạt chứng nhận VietGAP để người tiêu dùng có thể kiểm tra, tra cứu. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp cần có lộ trình bắt buộc, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP thành tiêu chí bắt buộc đối với sản xuất nông sản. Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển nông nghiệp theo sản lượng. Giờ là lúc nông dân cần nhiều tri thức, nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng tối đa lợi nhuận cho người nông dân.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, hầu hết các nhóm lĩnh vực đều tăng trưởng dương. Trong đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: Cà phê đạt 3,22 tỷ USD; cao su đạt 1,1 tỷ USD; gạo đạt 2,98 tỷ USD; rau quả đạt 3,43 tỷ USD; hạt điều đạt 1,92 tỷ USD; tôm đạt 1,63 tỷ USD; sản phẩm gỗ đạt 4,99 tỷ USD.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích