TCVN 13381-1:2023 hướng dẫn khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng giống lúa
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13381-1:2023 Giống cây nông nghiệp – Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng – Phần 1: Giống lúa do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhằm hướng dẫn phương pháp khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng (khảo nghiệm VCU) và tiêu chí đánh giá kết quả khảo nghiệm VCU các giống lúa mới thuộc loài Oryza sativa L. Đây là những giống lúa mà lớp vỏ cám có màu sắc như nâu đỏ, tím…
Theo đó, địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của tổ chức thực hiện khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng cần đáp ứng các yêu cầu về hệ thống mạng lưới điểm khảo nghiệm tối thiểu tại mỗi vùng khảo nghiệm và diện tích tối thiểu để bố trí thí nghiệm tại mỗi điểm khảo nghiệm theo quy định.
Nhà kho lưu mẫu giống khảo nghiệm phải có thiết bị làm mát, điều chỉnh được nhiệt độ và độ ẩm. Đảm bảo nhiệt độ từ 5 °C đến 15 °C, độ ẩm không khí tương đối từ 40 % đến 60 %. Thể tích nhà kho tối thiểu 20 m3; Có trang thiết bị phục vụ cho quá trình khảo nghiệm như: máy tính, máy in, thiết bị ghi hình;
Thiết bị, dụng cụ đo lường phải được kiểm định hoặc hiệu chuẩn định kỳ theo quy định, bao gồm: cân điện tử độ chính xác tối thiểu 0,01 g; cân có phạm vi đo ít nhất 10 kg; máy đo độ ẩm hạt; tủ sấy.
Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng giống lúa theo tiêu chuẩn giúp kiểm soát các loại bệnh gây hại. (Ảnh minh họa)
Yêu cầu khảo nghiệm có kiểm soát thì địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của tổ chức thực hiện phải có phòng thử nghiệm đảm bảo các điều kiện nhân nuôi, lưu giữ nguồn rầy nâu. Phòng thử nghiệm phải có đủ điều kiện về thiết bị, dụng cụ đo nhiệt độ và độ ẩm, dụng cụ đo pH, kính hiển vi có độ phóng đại đến 400 lần. Buồng cấy vô trùng, nồi hấp khử trùng đạt được 2 atm ở 121 °C, tủ sấy, tủ định ôn có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho vi sinh vật phát triển, máy phun ẩm, tủ lạnh âm 20 °C trở xuống để bảo quản, phân lập, nhân nuôi tác nhân gây bệnh như bệnh đạo ôn, bạc lá. Có khu vực chuẩn bị mẫu, khu vực khử trùng môi trường nuôi cấy và dụng cụ.
Nhà lưới với điều kiện phù hợp để bố trí các thí nghiệm khảo nghiệm có kiểm soát như đủ ánh sáng, nước tưới để cây trồng sinh trưởng phát triển. Chống được côn trùng, chuột, chim. Nhà lưới phải đảm bảo cách ly nguồn sâu bệnh với môi trường. Nguồn bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu sử dụng để đánh giá.
Địa điểm khảo nghiệm giống lúa phải đại diện về đất đai, khí hậu thời tiết của vùng khảo nghiệm; phải phù hợp với yêu cầu sinh trưởng, phát triển của giống lúa và do tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng lựa chọn, quyết định.
Khảo nghiệm giống lúa thực hiện theo từng vùng, số lượng địa điểm khảo nghiệm tối thiểu tại mỗi vùng theo quy định như vùng Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng đều là 2. Đối với vùng Đông Nam Bộ là 1, vùng Đồng bằng sông cửu Long là 3.
Cần thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu đối với tất cả giống lúa khảo nghiệm. Đối với bệnh đạo ôn cần bố trí thí nghiệm lây nhiễm theo phương pháp nương mạ hoặc khay mạ đặt trong nhà lưới. Sử dụng nguồn bệnh đại diện cho vùng khảo nghiệm đề nghị công nhận lưu hành giống. Việc đánh giá phản ứng của giống khảo nghiệm sau 7 ngày lây nhiễm hoặc khi giống chuẩn nhiễm đạt cấp bệnh cao nhất theo quy định.
Đối với bệnh bạc lá các giống lúa khảo nghiệm và giống chuẩn nhiễm, chuẩn kháng được gieo cấy trên đồng ruộng hoặc trong nhà lưới, chăm sóc để lúa phát triển tốt. Sử dụng mạ 21 ngày tuổi, mỗi giống cấy một hàng ít nhất 15 khóm, cấy một dảnh trên khóm, khoảng cách giữa các khóm là 20 cm. Sử dụng nguồn bệnh đại diện cho vùng khảo nghiệm đề nghị công nhận lưu hành giống. Phương pháp lây nhiễm bệnh nhân tạo được tiến hành theo phương pháp cắt kéo ở vị trí cách đầu lá từ 1 cm đến 2 cm, giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng. Nồng độ dịch khuẩn trong lây bệnh 108 tế bào/ml.
Đối với bệnh rầy nâu sử dụng khay kích thước 60 cm × 40 cm × 10 cm (kích thước khay có thể thay đổi tùy điều kiện thực tế) đặt trong nhà lưới. Mỗi giống khảo nghiệm gieo một hàng trong khay với số lượng từ 15 cây đến 20 cây, mỗi khay gieo một hàng giống chuẩn nhiễm và một hàng giống chuẩn kháng. Tiến hành đánh giá phản ứng của giống khảo nghiệm khi giống chuẩn nhiễm bị chết theo quy định.
Về đánh giá tính chịu mặn của giống lúa sử dụng dụng cụ hình chữ nhật kích thước 28 cm × 32 cm × 1,25 cm (kích thước có thể thay đổi), trên đó khoét 100 lỗ (10 hàng, mỗi hàng 10 lỗ) với lưới nylon ở phía dưới. Giống lúa khảo nghiệm và giống chuẩn kháng, giống chuẩn mẫn cảm được ngâm ủ hoặc để trong hộp petri cung cấp đủ ẩm cho nảy mầm, sau đó mỗi giống gieo một hàng trên dụng cụ đã chuẩn bị có lưới nylon bên dưới giữ hạt, mỗi lỗ 2 hạt. Các giống được đánh giá tính chịu mặn sau 10 ngày, 16 ngày sau khi xử lý với dung dịch muối và khi giống chuẩn mẫn cảm (IR29) đạt cấp 9 (hầu như tất cả các cây chết hoặc đang chết). Khảo nghiệm có kiểm soát tính chịu mặn chỉ thực hiện đối với giống lúa được đăng ký có tính chịu mặn.
Yêu cầu về giá trị canh tác và giá trị sử dụng các giống lúa mới Kết quả khảo nghiệm diện hẹp thời gian sinh trưởng cùng nhóm với giống đối chứng; Độ dài giai đoạn trỗ (điểm): ≤ 5; Độ cứng cây (điểm): ≤ 5; Độ tàn lá (điểm): ≤ 5; Độ thuần đồng ruộng (điểm) ≤ 5. Kết quả khảo nghiệm có kiểm soát đối với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu, giống lúa khảo nghiệm phải có ít nhất một đối tượng có cấp bệnh hoặc cấp hại nhỏ hơn hoặc bằng 5.
An Dương