Giải pháp phân bón cho người nông dân Việt sau đại dịch
Hàng năm, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Trong khi đó, Việt Nam với 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ. Điều khá ngạc nhiên là sản lượng cung đang gấp 3 lần cầu nhưng giá phân bón thị trường Việt Nam vẫn liên tục tăng.
Trong cái khó, ló cái khôn
Sau khi giá phân bón liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 7 năm 2020. Nhưng kể từ tháng 7 năm 2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây. Là mặt hàng nằm được bình ổn giá nhưng do sau khi Covid-19 có phần bị khống chế thị trường hàng hóa thế giới đang hình thành một mặt bằng giá mới. Cùng với sự tăng giá của các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất; chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển, giá phân bón tăng khiến cho bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như đầu ra của nông sản. Để bình ổn thị trường phân bón sau giãn cách cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón. Ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.
Phân bón thế hệ mới
Một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan… đã nghiên cứu và sản xuất một số loại phân bón thế hệ mới được xếp theo nhóm như sau: Nhóm sản xuất theo công nghệ nano: nhóm sản xuất theo công nghệ vi sinh & enzym; nhóm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới; nhóm được khai thác và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên; nhóm phân bón sinh học chức năng có hoạt lực cao.
Chính nhờ các nhóm, loại phân bón thế hệ mới với các tính năng và hiệu lực hữu ích đã góp phần giảm lượng sử dụng các loại phân hóa học, tăng chất lượng nông sản, bảo tồn độ phì đất và hạn chế ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm nguồn nước ngầm và hệ thống sông ngòi.
Tại Việt Nam, để hướng mô hình hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và tiết kiệm nhiều địa phương thử nghiệm phân bón theo công nghệ Nano. Sản xuất phân bón theo công nghệ Nano là một công nghệ khá mới đã được áp dụng tại một số quốc gia phát triển như Đức, Thụy sĩ, Nhật, Mỹ.
Trong quy trình công nghệ đã sản xuất ra những loại phân bón có kích cỡ rất nhỏ từ 100- 500 nm, những loại phân này đã có nhiều tính năng vượt trội so với chính hiệu lực của nó khi chưa xử lý. Khả năng hấp thu qua lá & qua hệ thống rễ được tăng mạnh do vậy khi sử dụng phân bón theo công nghệ Nano vừa có hiệu lực Nông học, Hiệu quả kinh tế, lại bảo đảm không gây tồn dư và tổn hại đến môi trường. Hiện tại, công nghệ Nano sản xuất phân bón mới dừng ở một số loại phân bón vi lượng và một số chất hữu cơ có hoạt tính sinh học cao (Rong Biển; Chitosan).
Bốn ưu điểm của phân bón công nghệ Nano
Phân bón công nghệ Nano đã xuất hiện tại Việt Nam, trong đó phần lớn sản xuất tại Thái Lan. Qua thực tế sử dụng tại ruộng, vườn Việt Nam của phân bón công nghệ Nano có 4 ưu điểm dễ thấy nhất, đó là:
Xanh: Việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano sẽ giúp cải tạo được sự ô nhiễm trong đất và nước do thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, các kim loại nặng có sẵn trong đất và trong sản xuất công nghiệp… Quá trình cải tạo đó sẽ giúp cho môi trường đất được hồi phục nhanh, trở về trạng thái tự nhiên vốn có ban đầu. Nhờ đó cây trồng có môi trường tự nhiên phù hợp để phát triển tốt hơn, xanh hơn.
Sạch: Việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano sẽ hạn chế tối thiểu và dần đi đến việc không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, nhờ đó mà con người, cây trồng và các sinh vật khác được sống trong một môi trường sạch hơn.
An toàn: Việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano theo hướng đi đến việc không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng sẽ cho thu hoạch những loại nông sản không tồn dư các loại hoá chất độc hại, đó là những nông sản làm thực phẩm an toàn hơn cho con người.
Tiết kiệm: Việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano sẽ giúp làm giảm số lượng sử dụng các loại phân bón khác (20-30%), giảm các loại hoá chất dùng trong nông nghiệp… nhờ đó tiết kiệm được chi phí cho xã hội.
Hiện nay, tại xã Khánh Yên, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình nơi đang thử nghiệm mùa thứ hai diện tích 10ha trồng các giống lúa LT2, TB20, VNR20 và Tiến Vua sử dụng phân bón công nghệ nano do Công ty Nanofarm Đăng Quang cung cấp. Việc dùng phân Nano Silic đã cho thấy những ưu việc rõ ràng trong việc bảo vệ môi trường, cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, an toàn cho người dùng. Khi sử dụng phân Nano Silic giúp cây trồng có thể hấp thụ dễ dàng, lượng thuốc BVTV giảm 50%, số lượng phân bón vô cơ dùng kết hợp giảm từ 30-40%.
Điều quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, lợi nhuận về năng suất tăng 30-40%, tương đương 15 triệu/ha/vụ, ngoài ra tiết kiệm chi phí phân bón 5 triệu/ha/vụ, tổng công 20 triệu/ha/vụ. Ông Phạm Văn Ngợi, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Yên cho biết: “Trồng đối chứng cho thấy giống lúa Tiến Vua năng suất tăng cao nhất 50%, LT2 tăng 20% cây lúa cứng, khỏe, hạn chế được sâu bệnh rất nhiều”. Báo cáo với đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, bà con xã Khánh Yên đánh giá: “Khi dùng phân Nano, với cây lạc thì tiết kiệm được 5,7 triệu/ha, rau màu 9,2 triệu/ha, dưa lê thì tiết kiệm được 5 triệu/ha nhưng dưa chuột là tiết kiệm được 12,5 triệu đồng/ha”.
Ninh Bình đã có 2 năm trồng thực nghiệm và những con số đã thay lời muốn nói. Việc ngày càng nhiều xã tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đăng ký dùng phân công nghệ Nano là minh chứng rõ ràng nhất hiệu quả của việc mạnh dạn tìm tòi, áp dụng phân bóng thế hệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Giải pháp cho nông dân Việt
Đề cập vấn đề này, bà Hoàng Hải Anh, Giám đốc Công ty Nanofarm Đăng Quang cho biết: “Hiện thị trường có nhiều loại phân bón công nghệ Nano với hàm lượng các hạt nano vi lượng sắt, canxi, đồng, kẽm, boron khác nhau và có những tên gọi khác nhau. Tùy thuộc tỷ lệ và các chất phối trộn, phân bón sẽ có những tác dụng khác nhau đối với các loại cây trồng. Nanofarm Đăng Quang sẽ có dụng cụ phân tích, đánh giá chất lượng đất trồng giúp bà con nông dân lựa chọn đúng loại phân, ngoài ra dự kiến quý I năm 2022 nhà máy tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) sẽ chính thức đi vào hoạt động để cung cấp phân bón thế hệ mới này cho miền Bắc”.
Rõ ràng sau giãn cách, phần lớn bà con nông dân Việt Nam đối diện với muôn vàn khó khăn khi vật giá liên tục leo thang, chi phí cho cả chăn nuôi lẫn trồng trọt đang tăng phi mã. Việc mạnh dạn được phân bón công nghệ Nano vào sản xuất nông nghiệp đã và đang là giải pháp tối ưu giúp người nông dân đang “dầm mưa, dãi nắng” có cơ hội phục hồi kinh tế, lại bảo vệ được môi trường, cải tạo đất.
Chiều 22/9/2021 tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh địa phương tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các công nghệ mới, tránh phụ thuộc quá lớn vào phân vô cơ truyền thống. Bởi đây vừa là chủ trương xuyên suốt của Bộ NN-PTNT, vừa là giải pháp giúp bà con nông dân giảm giá vật tư đầu vào, tăng hiệu quả đầu trong sản xuất nghiệp trong bối cảnh phân bón đang liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu