Đầu tư mạnh vào công nghệ giúp doanh nghiệp tại Đắk Lắk nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Trong những năm gần đây, việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ đã mang lại những bước tiến đáng kể cho các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Đắk Lắk, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, cà phê nguyên chất Hoa Sữa 100% và cà phê hạt rang chất lượng cao Krông Búk của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Vạn (xã Cư Né) là hai trong số các sản phẩm đầu tiên của huyện đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Sau khi đạt chứng nhận này, chủ hộ kinh doanh đã nhận được hỗ trợ 125 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để lắp đặt hệ thống máy rang cà phê công suất 20 kg/mẻ, thay vì sản xuất theo kiểu truyền thống, nhằm mở rộng kinh doanh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đắk Lắk được hỗ trợ đầu tư máy móc tiên tiến cho sản xuất. Ảnh: Sở Công thương Đắk Lắk
Hay Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh, chuyên sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và hướng hữu cơ trên diện tích 300 ha. Trong những năm gần đây, HTX đã đầu tư vào công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, sản phẩm gạo vẫn còn lẫn tạp chất, hạt không đồng đều, giá thành cao, và nguồn lực có hạn khiến việc trang bị máy móc hiện đại chưa đáp ứng nhu cầu. Năm 2023, HTX Nhật Minh được hỗ trợ để đầu tư một máy tách màu, phân loại gạo từ Đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”. Máy có công suất 500 – 700 kg/giờ, tách màu tự động tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao bằng cách loại bỏ gần như hoàn toàn các hạt lỗi. Việc đưa máy tách màu vào hoạt động đã giúp HTX sản xuất ra sản phẩm gạo chất lượng cao hơn, có lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hiện nay, công tác hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực. Qua đó, tiếp sức và thúc đẩy các HTX, cơ sở kinh doanh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa.
Việc các cơ sở công nghiệp nông thôn tại Đắk Lắk đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là tất yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thông qua nguồn kinh phí khuyến công, công tác hỗ trợ máy móc và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp các HTX và doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới để tạo ra sản phẩm có mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, tăng giá trị cạnh tranh, giúp sản phẩm của địa phương xác lập vị thế trên thị trường.
Đắk Lắk cũng đang hướng tới thị trường Halal, với tiềm năng lớn từ quy mô dân số Hồi giáo toàn cầu khoảng 2 tỷ người. Thị trường Halal gồm 7 lĩnh vực chính: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông giải trí và tài chính. Các lĩnh vực Halal triển vọng mà doanh nghiệp Đắk Lắk có thể tham gia bao gồm: thực phẩm, du lịch, dược phẩm và mỹ phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết hàng năm ngành nông nghiệp của tỉnh sản xuất ra số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (550.000 tấn), cao su (30.000 tấn), hồ tiêu (80.000 tấn), ong mật (15.000 tấn), và sắn (700.000 tấn). Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.496 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: cà phê nhân, cà phê hòa tan, hạt tiêu, hạt điều, cao su, sản phẩm ong và rau quả.
Cho đến nay, tiêu chuẩn Halal có TCVN 13888:2023 – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận halal; 04 TCVN về sản phẩm: Thực phẩm (yêu cầu chung), Thực hành nông nghiệp, Giết mổ, Thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, chưa có TCVN riêng cho thử nghiệm và phòng thử nghiệm. Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đáp ứng tiêu chuẩn để hướng tới các thị trường tiềm năng như Halal đang giúp Đắk Lắk không ngừng nâng cao vị thế và chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Duy Trinh (t/h)