Gia Lai tăng cường phát triển năng lượng tái tạo với tầm nhìn mới
(Xây dựng) – Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai khẳng định sẽ tập trung khắc phục và giải quyết triệt để các tồn tại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời cam kết minh bạch và có nhiều biện pháp ưu đãi trong thu hút đầu tư.
Công trình điện gió tại huyện Chư Prông. |
Gia Lai sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối. Tính đến nay, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cho 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.347,89MW, trong đó khoảng 3.005MW đã đi vào vận hành.
Gia Lai hiện có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW. Trong giai đoạn 2016-2021, các nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo của tỉnh đã sản xuất khoảng 40.096 triệu kWh điện, đóng góp gần 8 tỷ kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Gia Lai gặp nhiều khó khăn do quy hoạch chồng chéo. Việc bổ sung quy hoạch từng dự án điện gió và điện mặt trời trước đây chưa mang tính tổng thể và đồng bộ, dẫn đến các hệ lụy như phá rừng tự nhiên tại huyện Kông Chro để xây dựng trụ điện gió. Các dự án điện mặt trời mái nhà cũng gặp phải nhiều tồn tại như: Không tuân thủ mô hình kinh tế trang trại, thiếu hệ thống chống sét và phòng cháy chữa cháy, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo đại diện của doanh nghiệp điện gió tại Gia Lai chia sẻ: “Nhà đầu tư mong các quy định phải rõ ràng, cụ thể, từ đầu tư xây dựng cho đến phòng cháy chữa cháy, quy hoạch đất đai, môi trường”.
Trong năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Công Thương đã làm việc tại Gia Lai, qua đó, Đoàn công tác đánh giá cao về phát triển năng lượng tái tạo tại Gia Lai. Các dự án điện gió tại Kông Chro, Đăk Đoa, Bàu Cạn đã đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong các năm 2020, 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Gia Lai vẫn đưa vào vận hành thương mại 563,4MW điện gió, đứng đầu trong các tỉnh có dự án điện gió”.
Theo ông Phạm Văn Binh, với Quy hoạch điện VIII, Gia Lai sẽ khắc phục các hạn chế, thực hiện hiệu quả chính sách đầu tư năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và hiệu quả sử dụng đất. Sở Công Thương sẽ đề xuất công khai quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất cho phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tăng khả năng giải tỏa công suất các dự án. Tỉnh Gia Lai sẽ hỗ trợ đầy đủ các thủ tục về xây dựng, đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng và môi trường cho các doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Gia Lai đang nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, nhằm phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo, đóng góp tích cực vào lưới điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng