Quảng Ngãi: Phát hiện 2 trường hợp bị ho gà
Quảng Ngãi: Phát hiện 2 trường hợp bị ho gà
Sáng 22/7, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phan Minh Đan chủ trì cuộc họp liên quan đến 2 ca bệnh ho gà vừa ghi nhận tại TP.Quảng Ngãi.
Trước đó, vào ngày 16/7/2024, Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả xét nghiệm 2 bệnh nhi P.T.T (hơn 2 tháng tuổi) và Đ.G.P (5 tháng tuổi), ở TP.Quảng Ngãi dương tính với vi khuẩn gây nên bệnh ho gà.
Hai bệnh nhi này đều có một thời gian nhập viện điều trị tại BVSN tỉnh, trước khi chuyển viện ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, do nghi ngờ bệnh nhi bị ho gà, nên các bác sĩ đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang.
Tại cuộc họp, đại diện BVSN tỉnh báo cáo quá trình tiếp nhận, điều trị đối với 2 trường hợp bệnh nhi tại đơn vị. Theo đó, bệnh nhi P.T.T thăm khám tại BVSN tỉnh vào ngày 4/7/2024 trong tình trạng sốt cao, ho… Tại BVSN tỉnh, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phế quản cấp và điều trị tại khoa Nhi Hô hấp từ ngày 4/7 – 11/7/2024. Sau đó, gia đình bệnh nhi xin cho bệnh nhi xuất viện.
Đối với bệnh nhi Đ.G.P, bệnh nhi được người nhà đưa đến BVSN tỉnh vào ngày 27/6/2024 trong tình trạng ho, sổ mũi, sốt cao… Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa nên được chỉ định điều trị tại khoa Nhi Tiêu hóa. Đến ngày 28/6/2024, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phế quản cấp và chuyển sang khoa Nhi Hô hấp tiếp tục điều trị. Bệnh nhi điều trị tại khoa này đến ngày 3/7/2024 thì người nhà xin cho bệnh nhi xuất viện.
Theo BVSN tỉnh, trong quá trình điều trị bệnh nhân, các diễn tiến lâm sàng chưa rõ ràng và cơn ho không phải cơn ho điển hình của bệnh ho gà nên chưa đủ cơ sở để nghi ngờ bệnh ho gà.
Chưa xác định các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi bị ho gà tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh
Theo đại diện BVSN tỉnh, sau khi Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả xét nghiệm hai bệnh nhi dương tính với vi khuẩn gây nên bệnh ho gà, đơn vị đã nhanh chóng phun hóa chất khử khuẩn, xử lý môi trường, vật dụng tại các khoa mà bệnh nhi điều trị. Còn đối với trường hợp những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khác có tiếp xúc gần với 2 bệnh nhi lúc các bệnh nhi này điều trị tại khoa Nhi Tiêu hóa, khoa Nhi Hô hấp (BVSN tỉnh); đến thời điểm này, BVSN tỉnh và các cơ quan liên quan chưa tiến hành kiểm tra, rà soát.
Thảo luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong cả nước vào năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng. Đây là một trong các nguyên nhân khiến thời gian gần đây, một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh như: lao, sởi, ho gà, bạch hầu…xuất hiện trở lại.
Trước thực tế trên, đòi hỏi các cơ sở y tế trong quá trình tiếp nhận, thăm khám cho bệnh nhân, phải nhận diện được các triệu chứng ban đầu, để kịp thời chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết, tránh để lọt bệnh, làm tăng nguy cơ lây lan. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan phải tăng cường tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của tiêm vắc xin, nỗ lực triển khai tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ, tránh bùng phát dịch bệnh…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Minh Đan yêu cầu BVSN tỉnh trong quá trình tiếp nhận, điều trị bệnh cần quan tâm, không để bỏ sót các ca bệnh truyền nhiễm. Công tác phòng chống dịch cần thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Vì vậy, BVSN tỉnh cần khẩn trương phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xác định các trường hợp tiếp xúc gần với 2 bệnh nhi trong thời gian các bệnh nhi này nằm viện điều trị.
Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi tập trung theo dõi, cập nhật tình trạng bệnh của 2 trường hợp bệnh ho gà và các ca tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường hướng dẫn các trung tâm y tế tuyến huyện và các đơn vị liên quan về công tác dự phòng; đẩy mạnh truyền thông về các bệnh truyền nhiễm, về Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân…
Thông tin tại cuộc họp, bác sĩ Bùi Xuân Liêm – Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, dù đã tiêm 1 mũi vắc xin “5 in 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib; nhưng bệnh nhi 5 tháng tuổi Đ.G.P vẫn bị bệnh ho gà là vì vắc xin phòng bệnh này chỉ phát huy tác dụng sau khi trẻ tiêm ít nhất 2 mũi. Cụ thể là, sau khi tiêm vắc xin mũi 2 tối thiểu 15 ngày, cơ thể của trẻ mới bắt đầu có kháng thể, giúp trẻ phòng chống được bệnh ho gà.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị