Hà Nội: ‘Cát tặc’ lộng hành trên sông Hồng, trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 2)
Hà Nội: ‘Cát tặc’ lộng hành trên sông Hồng, trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 2)
Trước vấn nạn “cát tặc” ngang nhiên hoành hành tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm giáp ranh với huyện Đông Anh, dư luận bức xúc đề nghị cơ quan chức năng xác minh, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.
Ngày 10/7, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết “Hà Nội: Cận cảnh “cát tặc” hoành hành trên sông Hồng” – https://www.moitruongvadothi.vn/ha-noi-can-canh-cat-tac-hoanh-hanh-tren-song-hong-a166399.html”. Nội dung phản ánh đoạn sông Hồng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm giáp ranh với huyện Đông Anh, TP Hà Nội đang ngày đêm phải oằn mình hứng chịu hàng chục tàu hút cát khủng “rút ruột” lòng sông, bãi bồi khiến tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, gây hệ luỵ về môi trường.
Theo người dân địa phương phản ánh, hoạt động khai thác trên diễn ra từ khoảng 21h đêm đến 5h30’ sáng. Và để ghi nhận thực tế, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có mặt tại hiện trường vào đêm ngày 8/7, rạng sáng ngày 9/7/2024, chúng tôi đã ghi nhận được những chiếc tàu được hoán cải với thiết kế từ 3 đến 4 vòi hút. Với hệ thống vòi cỡ lớn, chỉ trong vòng gần một giờ đồng hồ đã lấp đầy một con tàu chứa khoảng từ 400 đến 700 khối cát. Ước tính, từ 21h tối đến 5h giờ sáng thì với gần chục con tàu hút sẽ lấp đầy khoang khoảng 50 con tàu từ 400 đến 700m3.
Đáng nói, hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ là vậy, nhưng suốt thời gian có mặt, chúng tôi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng lực lượng chức năng tuần tra, xử lý.
Trao đổi với PV về thực trạng trên, ông Lê Bình Minh – Chủ tịch UBND phường Liên Mạc khẳng định: Hiện nay trên địa bàn phường không có mỏ cát nào, không có chuyện khai thác cát rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Còn khai thác cát đêm, bên phường cũng đang xây dựng kế hoạch đi kiểm tra và bản thân phường sẽ có những biện pháp ở trên bờ, chứ còn ở dưới sông thì chính quyền địa phương cũng chỉ nắm bắt để phản ánh và đề xuất.
Mặc dù vị Chủ tịch phường Liên Mạc khẳng định là vậy, nhưng với thực tế không thể phủ nhận và được chính cơ quan chức năng thừa nhận có hoạt động khai thác cái trái phép như người dân, báo chí phản ánh. Cụ thể, khi PV liên hệ với Đội CSGT đường thủy số 1 thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, một cán bộ Đội cho biết, trong đầu tháng 6 Đội có phát hiện và xử lý 2 vụ khai thác cát trái phép tại khu vực trên.
Còn với người dân sống gần khu vực này thì quá quen thuộc và bức xúc trước cảnh tượng trên, chính vì thế họ đã quay clip ghi lại cảnh các con tàu cỡ lớn ngày đêm “rút ruột” lòng sông, bãi nổi để đăng tải lên mạng xã hội. Bởi họ cho rằng, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị sự việc lên các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan nhưng không được quan tâm, xử lý nên họ đã tìm đến tiếng nói của dư luận trên mạng xã hội.
Để làm rõ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của chính quyền địa phương, PV đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận này để phản ánh về vấn nạn “cát tặc” hoành hành trên địa bàn, nhưng đều không nhận được phản hồi.
Phân tích về việc ai sẽ chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm- Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: Hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng là hành vi nguy hiểm đối với xã hội, ngoài vi phạm về khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây thất thu thuế còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, tại Điều 48 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP có quy định cụ thể hành vi khai thác cát, sỏi không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Đồng thời “Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng (kể cả phương tiện khai thác trực tiếp và phương tiện tham gia gián tiếp) để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm” và có thể bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngoài những mức xử phạt vi phạm hành chính như trên, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự theo quy định tai Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên với khung hình phạt nhẹ nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù giam.
Cũng theo Luật sư Tâm, để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.
Có thể thấy, pháp luật đã quy định rất rõ về công tác giám sát, quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài nguyên, xử lý vi phạm. Thế nhưng, vấn nạn cát tặc vẫn diễn ra một cách công khai, khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không việc cơ quan chức năng địa phương “bật đèn xanh” cho cát tặc lộng hành?
Trước vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông Hồng diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn, các nhóm đối tượng hoạt động liều lĩnh, công khai bất chấp quy định của pháp luật, chúng tôi kính đề nghị UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ những tổ chức, cá nhân đứng ra điều hành hoạt động khai thác cát trái phép nêu trên.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị