Vận hành Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần

Vận hành Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần

Một trong những kết quả hoạt động khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm 2024 là việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm thực hiện tốt các nhiệm được giao trong đó có Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong “Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030”.

tm-img-alt
PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: Diệu Thúy 

Viện Hàn lâm đã hoàn thành trên 90% khối lượng các công việc cần thực hiện của dự án từ nguồn vốn đối ứng, đã và đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”, thực hiện quy trình thành lập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Việt Nam.

PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, đơn vị đã vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Từ ngày 15/12/2023 – 14/5/2024, Trung tâm đã ghi nhận được 126 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam, trong đó có 23 trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin. Đặc biệt, ngày 25/3/2024, trận động đất có độ lớn 4 độ đã xảy ra tại ở khu vực huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Liên quan đến tiến độ hoàn thành Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam cho biết tính đến thời điểm hiện tại (tháng 7/2024) một số hạng mục chính đã hoàn thành, dự kiến tháng 12/2024, các hạng mục xây dựng sẽ được bàn giao.

TS. Lê Xuân Huy cho biết, hệ thống vệ tinh LOTUSat-1 đã được chế tạo và đang chờ bệ phóng từ phía Nhật Bản, dự kiến tháng 2/2025, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo, được vận hành thử nghiệm 3 tháng. Dự kiến, tháng 6/2025, vệ tinh sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam là Trung tâm vũ trụ Việt Nam vận hành trong vòng 5 năm.

Trong hệ thống vệ tinh LOTUSat-1 có hệ thống quan trọng đó là hệ thống mặt đất là những thiết bị mặt đất sử dụng để vận hành nhận ảnh và chuyển dữ liệu ảnh cho người dùng  (những thiết bị này đã được lắp ráp từ đầu năm 2024) đang được tích hợp thử nghiệm. Dự kiến tháng 9/2024 sẽ thử nghiệm xong và chuyển giao cho Trung tâm vũ trụ Việt Nam để thực hiện vệ tinh phóng.

Chất lượng khoa học công nghệ được nâng lên 

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong “Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 4/2/2021.

Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ứng dụng hệ thống giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing-NGS) bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý (được Unesco công nhận và bảo trợ) đã hoạt động hiệu quả góp phần khẳng định sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Căn cứ Chiến lược Phát triển Viện Hàn lâm đến năm 2030 tầm nhìn 2045, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, công nghệ trọng điểm, Viện Hàn lâm đã ban hành các quy định quản lý các đề án KH&CN trọng điểm, các đề tài nghiên cứu cơ bản chất lượng cao cấp Viện Hàn lâm; hoàn thành công tác sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và xây dựng kế hoạch 2025.

Cùng với đó, Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN định kỳ; tập trung triển khai nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xanh và ứng phó biến đổi khí hậu…

Viện Hàn lâm tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các đối tác quốc tế, nổi bật là một số hoạt động: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân (JINR); tăng cường lực lượng cán bộ khoa học của Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc tại JINR; hai bên đã thảo luận về dự án xây dựng phòng thí nghiệm chung, dự án phát triển Trung tâm Thông tin JINR tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu biển với các đối tác quốc tế bao gồm phối hợp với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) triển khai chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA trong vùng biển ven bờ Việt Nam với sự tham gia của 34 nhà khoa học hai bên; phối hợp với đối tác Nga xây dựng phương án thực hiện chuyến khảo sát đa dạng sinh học và hóa sinh biển chung lần thứ 9 bằng tàu “Viện sĩ Oparin”. Trên cơ sở đó, công tác ứng dụng, triển khai công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả Nhằm thúc đẩy công tác kết nối hợp tác, chuyển giao công nghệ và quảng bá sản phẩm. 

Viện Hàn lâm đã triển khai các hợp tác KH&CN với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Tính đến ngày 16/5/2024, Viện Hàn lâm được cấp 53 sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 của Viện Hàn lâm, như: Triển khai rà soát các quy định, quy chế về công tác cán bộ, công tác quản lý đề tài/nhiệm vụ, quy định về tổ chức đấu thầu; nghiên cứu và xây dựng Bộ tiêu chí về liêm chính khoa học.

Nhiều kết quả nhiệm vụ KH&CN nổi bật 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm có thể kể đến như: Nghiên cứu, chế tạo thành công Hệ thống chuẩn phục vụ kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị đo bụi trong môi trường không khí” (ManDust) với công nghệ mới và sáng tạo là một sản phẩm đột phá trong lĩnh vực môi trường; chế tạo thành công mô hình thiết bị phản ứng hiệu năng cao dạng quay HP2R cho quy trình stripping nước thải có nồng độ ô nhiễm cao; xây dựng thành công quy trình công nghệ và bào chế thành công sản phẩm viên nén (bao phim) Lan Kim Tuyến và viên nén Sâm Đá hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân ung thư.

Bên cạnh đó, Viện Hàn Lâm đã tổng hợp thành công SPION/HAp – vật liệu lai siêu thuận từ có khả năng diệt tế bào ung thư bàng quang, mở ra hướng nghiên cứu triển vọng, ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y sinh; chế tạo thành công Kit ELISA định lượng kháng nguyên ung thư CA125 chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng.

PGS.TS Trần Anh Tuấn cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, Viện Hàn lâm tiếp tục triển khai thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Việt Hàn Lâm cũng đặt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình Vật lý, Chương trình Toán học và Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực: Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025; Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo; Chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ…

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích