Đan Mạch – quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế khí phát thải gia súc
Đan Mạch – quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế khí phát thải gia súc
Đan Mạch, một trong những nước xuất khẩu thịt lợn và sữa lớn nhất thế giới, vừa trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng thuế phát thải carbon đối với ngành nông nghiệp.
Đan Mạch sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp thuế lên sự phát thải khí metan từ gia súc, một biện pháp độc đáo nhằm giúp quốc gia Bắc Âu này, vốn nổi tiếng là một trong những nước tiên tiến nhất về khí hậu, đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045.
Bắt đầu từ năm 2030, các khí thải metan – loại khí gây hiệu ứng nhà kính phổ biến thứ hai trong khí quyển-từ sự phát thải của bò và lợn ở Đan Mạch sẽ bị đánh thuế với mức 300 kroner (43,85 USD) mỗi tấn CO2 tương đương.
Mức thuế này sẽ tăng lên 750 kroner vào năm 2035, theo thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng Sáu giữa chính phủ và các đại diện của nông dân, ngành công nghiệp và công đoàn. Văn bản này cần được Quốc hội phê chuẩn và sẽ được xem xét sau kỳ nghỉ hè.
Theo ông Christian Fromberg, chuyên gia về nông nghiệp của tổ chức Greenpeace, văn bản này mang lại hy vọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang lùi bước trong hành động vì khí hậu.
Mặc dù thuế carbon nên cao hơn và được thực hiện sớm hơn, đây vẫn là một bước quan trọng.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối rằng đây là “một cơ hội lớn bị bỏ lỡ” để “nông nghiệp Đan Mạch chuyển hướng mới” khi mà các phương pháp canh tác hiện tại vẫn là thâm canh và xả nhiều nitrogen, gây ra hiện tượng thiếu oxy trong nước, khiến hệ sinh thái biển bị suy giảm. Ông Fromberg cho rằng rất khó để nói rằng “đây là một thỏa thuận lịch sử.”
Nó tiếp nối sự gia tăng thâm canh nông nghiệp Đan Mạch trong 70 năm qua. Và thỏa thuận này khuyến khích nông nghiệp Đan Mạch tiếp tục là quốc gia chăn nuôi thâm canh nhất thế giới.
Tuy nhiên, Hiệp hội Nông nghiệp bền vững Đan Mạch cho rằng thỏa thuận này có thể đe dọa an ninh lương thực. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho nông dân Đan Mạch, kế hoạch này đề xuất một khoản khấu trừ thuế 60%.
Chi phí thực tế cho các nông dân dự kiến sẽ là 120 kroner mỗi tấn từ năm 2030, và 300 kroner vào năm 2035. Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Kinh tế, thỏa thuận này có thể dẫn đến việc mất đi tới 2.000 việc làm trong ngành này vào năm 2035.
Số tiền thu được từ thuế sẽ được tái đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh của ngành nông nghiệp. Hơn 60% diện tích đất của Đan Mạch được dành cho nông nghiệp.
Hơn nữa, việc để hoang 140.000 hecta đất sẽ giúp tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển.
Theo Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch, trên quy mô toàn cầu, Đan Mạch là một trong những nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu, mặt hàng chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu nông nghiệp của quốc gia này.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị