Dự án đường sắt đô thị vẫn trễ hẹn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết do ‘nghiên cứu ban đầu sơ sài’
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, để đáp ứng nhu cầu vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển tại các đô thị lớn, từ năm 1998, Chính phủ đã định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. HCM.
Đến nay, tại Hà Nội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi, giai đoạn I; tuyến 2A, Cát Linh – Hà Đông); chỉ đạo UBND TP. Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo).
Đối với tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông, đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào vận hành khai thác;
Tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, giai đoạn 1 đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, tuy nhiên do một số vướng mắc liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh nên dự án đang tạm dừng triển khai;
Tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng đoạn Nhổn – Cầu Giấy, đang triển khai thi công đoạn Cầu Giấy – ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án để triển khai.
Tại TP. HCM, Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP. HCM thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành – Tham Lương). Hiện nay, tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng; tuyến Bến Thành – Tham Lương đang triển khai các thủ tục để di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công.
Báo cáo nêu rõ: “Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư và đến nay chưa có dự án nào đưa vào khai thác”.
Đối với các doanh nghiệp khai thác các tuyến đường sắt đô thị, báo cáo cho biết Hà Nội và TP. HCM đã thành lập các doanh nghiệp nhà nước để tổ chức quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố sau khi hoàn thành.
Các doanh nghiệp đang triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng và cử nhân lực đi đào tạo về quản lý vận hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách giá vé… nhằm khai thác tối ưu loại hình giao thông công cộng mới này.
Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư.
Trong bối cảnh một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đang chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng, Chính phủ đã chỉ đạo UBND các thành phố khẩn trương triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị.
Đến nay, tại Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông với số lượng 651 người, bao gồm 201 người đào tạo tại Trung Quốc và 450 người đào tạo tại Việt Nam, các nhân sự này đã được cấp chứng đào tạo theo quy định. Tại TP. HCM cũng đã và đang đào tạo 377 nhân sự phục vụ vận hành khai thác tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự kiến trong thời gian tới tiếp tục đào tạo 329 nhân sự.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện các thủ tục còn lại của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (tổng mức đầu tư 18.001 tỷ đồng) để sớm bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng.
Chính phủ cũng đang chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và TP. HCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn các thành phố nhằm sớm hình thành mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị (tại Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, tổng mức đầu tư 35.679 tỷ đồng; tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro; tại TP. HCM là tuyến số 1, Bến Thành – Suối Tiên, tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng; tuyến số 2, Bến Thành – Tham Lương, tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng).
Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt ngày càng mai một, tư duy chậm đổi mới, năng lực hạn chế đặc biệt về đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao; các doanh nghiệp chưa chủ động, thiếu linh hoạt trong việc tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, còn trông chờ ỷ lại.
Đặc biệt, đối với việc phát triển đường sắt đô thị, còn có nguyên nhân các nghiên cứu ban đầu về dự án sơ sài, nhiều nội dung chưa được đề cập dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ.
Trong giai đoạn tới (đến năm 2030), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, hình thành loại hình giao thông văn minh, hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kết luận, sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn khác.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu