Cơ hội “vàng” cho ngành bán dẫn Việt Nam bứt phá

(Xây dựng) – Việt Nam có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển bứt phá ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó chính trị, kinh tế ổn định và có vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu; lực lượng lao động dồi dào… chính là “cơ hội vàng” để ngành công nghiệp này bứt phá.

Cơ hội “vàng” cho ngành bán dẫn Việt Nam bứt phá
Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD.

Tập đoàn lớn đầu tư bán dẫn vào Việt Nam

Ngày 01/7, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và lãnh đạo Chính phủ 2 nước, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước đã trao 23 văn bản thỏa thuận hợp tác.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam và Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty LH. Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.

Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Thời gian hoạt động của dự án tính từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 11/9/2068. Tiến hành sản xuất thử nghiệm từ quý I/2025 đến quý II/2025; bắt đầu sản xuất chính thức từ quý III/2025 và đạt công suất tối đa từ quý IV/2035.

Theo Bản ghi nhớ, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty LH sẽ nghiên cứu, trao đổi ý tưởng và hợp tác, bao gồm các công việc như xây dựng ý tưởng quy hoạch, xây dựng lộ trình đầu tư, kế hoạch khai thác, vận hành để thúc đẩy thực hiện thành công Khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu; Tổ chức hội thảo về các vấn đề đô thị ở tỉnh Bắc Ninh, hệ thống pháp luật Hàn Quốc và các đề xuất cải thiện quy định cũng như kế hoạch khai thác, vận hành của Đô thị Đông Nam; Phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư và hội thảo để thu hút và kích hoạt đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Đô thị Đông Nam; Phối hợp vận hành Nhóm Chuyên trách (TF Team) và cử nhân sự tham gia để thực hiện các công việc tiếp theo.

Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hang tỷ USD. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Được hưởng lợi từ những thay đổi toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2025.

Tạo đà để Việt Nam “bắt chip”

Trong thời gian qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, trao đổi, hợp tác giữa các lãnh đạo của Việt Nam với các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn lớn được thực hiện. Mục tiêu của các chương trình này là đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư cũng như đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp này sánh cùng các cường quốc khác trên thế giới.

Đơn cử như, ngày 09/7, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra Hội thảo Tương lai ngành bán dẫn Việt Nam với chủ đề “Cơ hội và kỳ vọng giữa Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới”. Hội thảo được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới và lớn hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước cùng khai thác lợi thế của mỗi bên trong tương lai.

Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chủ trì, phối hợp với Tập đoàn FPT, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Nhật Bản, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), UBND thành phố Hải Phòng, cùng tổ chức.

Cơ hội “vàng” cho ngành bán dẫn Việt Nam bứt phá
Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để đón đầu thị trường chip bán dẫn thế giới.

Hay như trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE hồi tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông John Neuffer – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) để trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây là lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và mong muốn tăng cường làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Với mục tiêu là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, Việt Nam mong muốn SIA hỗ trợ, giúp Việt Nam hỗ trợ kết nối thị trường, công nghệ, nguồn lực tài chính và sớm có các dự án hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để thông qua đó có cơ sở xem xét cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Vào tháng 7/2023, khi lần đầu đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh, trong một thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Bà Janet Yellen chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam hai ngày 10 – 11/9/2023, Tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ cho thấy, hai bên sẽ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Ngành bán dẫn của Việt Nam được cho là đang đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai nước vừa xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích