Ngành Công nghiệp ô tô vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển

(Xây dựng) – Hiện nay tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Vì vậy, ngành Công nghiệp ô tô nước ta được nhận định vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Ngành Công nghiệp ô tô vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển
Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ta cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Không chỉ vậy, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm… và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, nhất là chip bán dẫn nên vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Ngành Công nghiệp ô tô vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển
Dây chuyền sản xuất tại Thaco.

Đặc biệt, trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn cùng khoảng 1.400 loại chip trên xe. Tuy nhiên, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Cũng theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020, 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030 song con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%.

Ngoài tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 – 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Ngành Công nghiệp ô tô vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển
Ngành công nghiệp ô tô nước ta vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển.

Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam mới chủ yếu là các phụ tùng với công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Những linh kiện quan trọng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái…

Cục Công nghiệp cho biết, hiện tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô nước ta được nhận định vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích