Định hướng phát triển bền vững để tăng đơn hàng xuất khẩu gỗ

(Xây dựng) – Hiện nay, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như tạo những hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với đa số mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Vì vậy, phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng, tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Định hướng phát triển bền vững để tăng đơn hàng xuất khẩu gỗ
Phát triển bền vững là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng xuất khẩu gỗ. (Ảnh minh họa)

Gần 8 tỷ USD xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm

Trong năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm. Một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%

Phân tích sâu hơn về thị trường xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này.

Định hướng phát triển bền vững để tăng đơn hàng xuất khẩu gỗ
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ. Trong 6 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ đạt tới 3,45 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Hoa Kỳ đều tăng trưởng tích cực. Tiếp theo là xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 323 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với Trung Quốc, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trưởng lên tới 46,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc từ Việt Nam tăng rất mạnh, chiếm 24,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc.

Tại tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh” và công bố FIATA World Congress 2025 vào chiều 9/7, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết thêm, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 5 thế giới, xét về tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như đồ mộc trong nhà và ngoài trời, ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Theo lãnh đạo Vifores, xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện đã vươn tới 170 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Mỹ chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì có tới 4 chiếc ‘made in Vietnam’.

Phát triển bền vững giúp cải thiện đơn hàng

Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài phân tích, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế từ nguồn lao động tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp, có khả năng sản xuất ra các sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các mẫu mã thiết kế sản phẩm của Việt Nam cũng đang ngày càng đa dạng, đáp đáp ứng tốt nhu cầu của thế giới.

Cũng theo ông Hoài, thời gian qua Hiệp hội đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm khách hàng và đơn hàng. Hiệu lực của EUDR (Quy định của EU không gây mất rừng và suy thoái rừng) đang đến gần, Hiệp hội cũng đang lập kế hoạch tổ chức các đào tạo về thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm gỗ hợp pháp khi đưa vào chuỗi cung và chuyển đổi xanh.

Định hướng phát triển bền vững để tăng đơn hàng xuất khẩu gỗ
Xuất khẩu gỗ, lâm sản hướng tới mốc 20 tỷ USD vào 2025 và 23-25 tỷ USD năm 2030. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như những hàng rào kỹ thuật quan trọng với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Do đó, Viforest khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm sản xuất xanh, thương mại xanh, tăng trường xanh và tăng cường chuyển đổi số. Phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích