Thanh Hóa: Xử lý tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập còn chậm

(Xây dựng) – Sau khi sáp nhập, sắp xếp các đơn vị, tỉnh Thanh Hóa có 537 công sở, nhà đất công dôi dư sau khi sáp nhập. Đến nay, đã có 455 cơ sở nhà đất có phương án xử lý, tuy nhiên việc xử lý tài sản công vẫn còn chậm.

Thanh Hóa: Xử lý tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập còn chậm
Nhiều tài sản công sau khi sáp nhập đang bị bỏ không, xuống cấp gây lãng phí. (Ảnh tư liệu)

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, chiều 9/7: Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, sắp xếp các đơn vị công lập số lượng tài sản công dôi dư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố là 537 cơ sở, trong đó cơ sở nhà đất sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn giai đoạn 2019 – 2021 là 457 cơ sở, cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập là 80 cơ sở.

Số dôi dư sau khi sáp nhập có phương án là 455/537 cơ sở, trong đó điều chuyển 83 cơ sở, thu hồi 17 cơ sở, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 193 cơ sở, chuyển giao về địa phương quản lý là 142 cơ sở, tạm giữ lại là 20 cơ sở. Số dôi dư nhà đất khi có phương án là 82/537 cơ sở là các trạm y tế sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố.

Hiện tại, phương án chuyển giao về địa phương xử lý đã hoàn thành 142/142 cơ sở nhà đất, phương án điều chuyển là 5/83 cơ sở, phương án thu hồi là 1/17 cơ sở, phương án bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 4 cơ sở. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều hạn chế trong sắp xếp, xử lý nhà đất tài sản công dôi dư sau sáp nhập không được sử dụng, bảo dưỡng nên tình trạng xuống cấp gây lãng phí, một số nhà văn hóa thôn bản hình thành từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, chưa được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Lý giải về việc nhiều tài sản công dôi dư chưa được xử lý sau sắp khi sắp xếp các đơn vị hành chính, ông Tứ cho biết thêm: Nguyên nhân quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý nhà đất và các văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, giai đoạn 2019 – 2021 còn nhiều nghị định cần sửa chữa lại, giai đoạn 2019 – 2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rộng đến đời sống kinh tế – xã hội gây khó khăn trong việc đấu mối các cơ quan chuyên môn để thực hiện việc sắp xếp.

Thanh Hóa là địa bàn rộng có số lượng nhà đất thuộc diện sắp xếp lớn, thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc kiêm nhiệm dẫn đến tình trạng còn nhiều bất cập. Một số đơn vị chưa quan tâm tạo điều kiện trong việc sắp xếp xử lý nhà đất theo lộ trình thời gian quy định, việc theo dõi tài sản công qua nhiều thời gian không được chú trọng, khối lượng xử lý liên quan đến sắp xếp nhà đất còn lớn. Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính và các đơn vị có tài sản trên đất.

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành sửa đổi Nghị định số 167 ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67 ngày 15/7/2021 của Chính phủ phù hợp với quy định của Luật Quản lý tài sản công, Nghị định số 151 trong đó quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện bằng hình thức đấu thầu dự án, có sử dụng đất khi trên đất có tài sản công.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích