Ứng dụng công nghệ nào trong thiết kế xây dựng của tương lai
(Xây dựng) – Trường Đại học Việt Đức vừa tổ chức buổi Toạ đàm “Công nghệ trong thiết kế, xây dựng: Xu hướng và tương lai” tại Ngôi nhà Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, ngành Thiết kế và xây dựng đã chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như: BIM (Mô hình hóa thông tin xây dựng), VR/AR, IoT, AI và robot hóa. Những công nghệ này đã và đang tạo ra những bước đột phá, giúp gia tăng hiệu quả, tính chính xác và tính bền vững trong các dự án xây dựng.
Các chuyên gia thảo luận về ứng dụng công nghệ trong xây dựng |
Con người là mấu chốt của công nghệ
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đại diện trường Đại học Việt Đức cho rằng, để có thể tận dụng triệt để tiềm năng của các công nghệ trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng, một yếu tố then chốt là sự chuyển đổi, phát triển của thế hệ kỹ sư mới.
Thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức và yêu cầu mới. Họ không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn, mà còn phải có khả năng thích ứng nhanh chóng với những công nghệ mới không ngừng ra đời. Điều này đòi hỏi họ phải liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ số, đồng thời phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
“Chúng tôi mong muốn tập trung thảo luận về những yêu cầu, kỳ vọng mới đối với thế hệ kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng trong bối cảnh công nghệ số đang ngày càng phát triển. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua sự tham gia của các chuyên gia, chúng ta sẽ có những chia sẻ quý giá về cách thức để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên công nghệ mới, nhằm đưa ngành xây dựng tiến lên một tầm cao mới”, đại diện trường Đại học Việt Đức chia sẻ.
Tòa nhà Landmark 81 đã tạo nên cột mốc quan trọng của ngành Xây dựng nhà cao tầng Việt Nam. |
Trước kỷ nguyên số, các chuyên gia cho rằng kiến trúc sư, kỹ sư trẻ trong ngành Xây dựng và quản lý dự án cần phải có những phẩm chất riêng biệt để có thể khai thác tối đa những tiện ích mà công nghệ mang lại. Họ cần vừa am hiểu về công nghệ, vừa có tầm nhìn chiến lược để đưa ra các quyết định đúng đắn về việc triển khai các giải pháp công nghệ vào dự án. Không chỉ vậy, họ còn phải biết cách dẫn dắt và hợp tác với các thành viên khác trong dự án để tối ưu hóa quy trình làm việc dựa trên các công nghệ mới.
Ông Nguyễn Lương Trí Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Wealthcons cho biết: Trong phát triển cần con người và công nghệ, do đó đầu tư phải tính tới bài toán hiệu quả. Xu hướng tới phải ứng dụng công nghệ, nhất là ngành Xây dựng, bởi công nghệ chỉ có làm cho dự án tốt hơn như đang ứng dụng BIM chẳng hạn. “Nâng cao kiến thức lực lượng lao động ngành Xây dựng phải từ giảng đường tới công trường. Nguồn nhân lực này phải rèn luyện những kỹ năng nhất định như: Kỹ năng chịu đựng, đổi mới sáng tạo, học tập suốt đời”, ông Lương Trí Quang nhận định.
Những lợi ích mà công nghệ mang lại
Bà Trần Thị Mỹ Xuyên, Giám đốc điều hành bộ phận thiết kế Công ty BOHO Décor cho biết: Sau đại dịch, cảm nhận và nhận thức của con người thay đổi theo chiều hướng nội tâm bên trong, dẫn đến xu hướng không gian nội thất cũng có sự điều chỉnh theo chiều hướng chân phương, mộc mạc và tối giản. Điều này hướng về các yếu tố thực tế, công năng nhiều hơn. Cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm mục tiêu chung là hướng đến một cuộc sống với những giá trị tốt đẹp, nhân văn, bền vững hơn so với những hào nhoáng mang tính thị trường và xu thế trước đây.
Cùng quan điểm, đại diện TwinLogic chia sẻ những lợi ích mang lại khi triển khai Bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) và hệ sinh thái BIM trong lĩnh vực xây dựng. Số hóa và cuộc cách mạng chuyển mình trong ngành Xây dựng không chỉ dừng lại ở việc cải thiện quy trình thi công và quản lý dự án, mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc tối ưu hóa vận hành và bảo trì công trình. Digital Twin và BIM mang lại sự minh bạch, chính xác trong quản lý dữ liệu, giúp dự đoán và giải quyết các vấn đề trước khi chúng trở thành sự cố thực tế.
Ông Nguyễn Phúc Bình An, Giám đốc kỹ thuật, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Wealthcons chia sẻ về triển vọng ngành Xây dựng trong thời gian tới: “Ngành Xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Bởi ngành cung cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển. Đồng thời, ngành này cũng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Công nghệ khoan ngầm TBM trên tuyến metro số 1 (đoạn từ Ba Son đến Nhà hát Thành phố dài 781m) đã mở ra các công nghệ thi công khác chuyển giao cho ngành Xây dựng Việt Nam. |
Theo ông Nguyễn Phúc Bình An, bên cạnh phát triển các công cụ, các phương pháp hỗ trợ kỹ sư tăng hiệu suất, các dự án triển khai tập trung hướng đến phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ xanh.
Tại tòa đàm, các chuyên gia cũng đã làm rõ thêm nhận diện về xu hướng và triển vọng phát triển xây dựng bền vững, công nghệ vật liệu mới, giải pháp thiết kế quy hoạch. Ứng dụng công nghệ số trong ngành Xây dựng như: Xu hướng chuyển đổi số trong thiết kế, thi công, quản lý dự án xây dựng; Vai trò của Digital Twin và BIM (Building Information Modeling) cũng như các công cụ số hóa khác trong tối ưu hóa quy trình thiết kế – xây dựng – quản lý; Các thách thức và cơ hội khi ứng dụng công nghệ số trong ngành Xây dựng tại Việt Nam…
Dịp này, trường Đại học Việt Đức cũng giới thiệu chương trình “Học bổng tài năng đặc biệt” dành cho thí sinh trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật và Quản lý xây dựng. Theo đó, tất cả sinh viên trúng tuyển niên khóa 2024 sẽ nhận được học bổng trị giá 100% học phí. Ngoài học bổng tài năng do trường cấp, sinh viên còn có cơ hội nhận được nhiều học bổng từ các nguồn tài trợ khác.
Nguồn: Báo xây dựng