Quảng Nam thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí
(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Nam xác định sẽ tập trung xây dựng triển khai Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí.
Quảng Nam xác định sẽ thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí. (Ảnh minh họa) |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa ký ban hành Kế hoạch số 4691/KH-UBND ngày 25/6/2024 về Tái cơ cấu ngành Công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 (gọi tắt là Kế hoạch).
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao; đưa tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 28,7 %; đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 15 – 16%/năm…
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam xác định, trong lĩnh vực công nghiệp, sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển các ngành công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, tập trung các nhóm dự án công nghiệp chủ lực gồm m rộng Khu phức hợp ô tô Chu Lai – Trường Hải; phát triển công nghiệp chế biến – chế tạo theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Tỉnh thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp, hướng vào phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, đảm bảo tính chủ động của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp. Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa.
Kế hoạch cũng nêu rõ, tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển công nghiệp, gồm Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp silica; Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí.
Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành; nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch; điều phối, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm theo bộ tiêu chí được ban hành kèm theo, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đầu tư; xúc tiến đầu tư các dự án đáp ứng các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn sau khi Trung ương ban hành các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn.
Sở Tài chính chủ trì tham mưu cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch hằng năm trên cơ sở đề nghị của Sở Công thương và các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ liên quan theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và khả năng ngân sách.
Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường xúc tiến đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp; tổ chức quản lý chặt chẽ về đất đai, quy hoạch, hạ tầng và lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp liên kết, hợp tác thực hiện cộng sinh công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu, cụm liên kết ngành…
Nguồn: Báo xây dựng