Bắc Giang: Về đích sớm mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
(Xây dựng) – Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có gần 54 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, về đích sớm hơn một năm so với mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện của tỉnh này.
Cán bộ BHXH huyện Tân Yên tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân xã Việt Ngọc. (Ảnh: Sỹ Quyết). |
Sức mạnh từ các “đợt cao điểm”
Theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 02/7/2021 của Tỉnh ủy Bắc Giang về công tác phát triển BHXH, tỉnh Bắc Giang đã đặt ra mục tiêu đến hết năm 20225, toàn tỉnh có khoảng 51.100 người tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU toàn tỉnh đã có gần 54 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 32 nghìn người so với trước khi ban hành chỉ thị và về đích trước một năm so với kế hoạch đề ra.
Để đạt được kết quả trên, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Giao chỉ tiêu về BHXH tự nguyện, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của chính sách; có chính sách hỗ trợ người dân khi tham gia BHXH tự nguyện; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện chính sách; đánh giá, tổng kết, khen thưởng kịp thời; triển khai tháng cao điểm, đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện linh hoạt…
Đặc biệt là với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, đơn vị… và sự nỗ lực của Bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh Bắc Giang đã luôn sát sao trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện từ khi xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu năm đến triển khai tháng cao điểm,đợt cao điểm theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”, đồng thời có kiểm tra, đánh giá thường xuyên… Sau gần 3 năm triển khai, số người tham gia BHXH tự nguyện năm sau luôn cao hơn năm trước, số người phát triển mới trong tháng cao điểm, đợt cao điểm luôn tăng cao.
Được biết, trước khi ban hành chỉ thị, toàn tỉnh mới có 21.233 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên, năm 2022 số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên 41.098 người (tăng 19.865 người); năm 2023, toàn tỉnh đã có 51.241 người, tăng 30.008 người so với trước khi hành chỉ thị. Trong đó, chỉ tính riêng trong 2 tháng cao điểm của năm 2022 và 2023, toàn tỉnh đã phát triển được 9.937 người, bằng 46,8% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trước khi ban hành chỉ thị.
Tại đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện năm 2024, BHXH tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai sớm hơn 1 tháng và kéo dài 2 tháng (tháng 4 và tháng 5/2024). Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến huyện, từ xã đến thôn; sự tin tưởng vào chính sách của nhân dân,… đợt cao điểm được diễn ra đồng loạt trên toàn tỉnh. Nhiều địa phương đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo và đạt được kết quả cao. Tính từ ngày 01/4-31/5/2024 toàn tỉnh phát triển mới được 7.555 người, vượt 30,26% so với kế hoạch (giao 5.800 người), tăng 2.355 người so với tháng cao điểm năm 2023, trong đó có nhiều huyện, thị xã có số người tăng mới nổi trội như: Hiệp Hòa phát triển mới được 1.374 người, Việt Yên 988 người, Lạng Giang 985 người, Tân Yên 932 người, Lục Ngạn 900 người… Thành công trong tháng cao điểm, đợt cao điểm được coi là bước tạo đà, là bệ phóng cho các huyện, thị xã và toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của năm.
Linh hoạt các biện pháp
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo BHXH tỉnh Bắc Giang, việc duy trì bền vững số người tham gia BHXH tự nguyện cũng là một bài toán khó, chỉ tính riêng trong hai tháng đợt cao điểm năm 2024, toàn tỉnh đã có 918 người giảm, tính từ đầu năm 2024 là 3.456 người. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế của người dân còn khó khăn nên đã dừng đóng, mặc dù trước đó đã được cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT thông tin, đôn đốc; một số lao động có việc làm, chuyển sang đóng BHXH bắt buộc, một số trường hợp đủ điều kiện giải quyết chế độ hưu trí.
Để duy trì bền vững người tham gia BHXH tự nguyện “không ai bị bỏ lại phía sau” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngoài những giải pháp được triển khai thường xuyên, BHXH tỉnh Bắc Giang tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là sự quyết liệt, sát sao Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh, sự hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, hằng năm, BHXH tỉnh chủ động tham mưu UBND tổ chức triển khai ít nhất 2 tháng cao điểm hoặc đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện; nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của Tổ dân vận cộng đồng (Tổ liên gia), tổ chức chính trị, xã hội từ cấp xã đến cấp thôn, tổ dân phố trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện.
Đồng thời, chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tham mưu, phối hợp với các đơn vị thành lập các tổ tuyên truyền có đủ 3 thành phần theo tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”: cấp huyện (viên chức BHXH huyện hoặc cán bộ Bưu điện huyện), cấp xã (1 thành viên ban chỉ đạo xã, đồng chí bí thư hoặc chủ tịch xã), thôn (bí thư, trưởng thôn hoặc trưởng ban ngành đoàn thể) đi trực tiếp tới từng nhà người dân tiềm năng để vận động. Qua đó đã phát hiệu quả từ việc BHXH thường xuyên trang bị, bồi dưỡng kiến thức về BHXH tự nguyện cho Đảng viên, viên chức, nhân viên, cộng tác viên thu BHXH, BHYT, trưởng thôn, trưởng, phó các ngành đoàn thể ở cấp xã, thôn,…
Duy trì thường xuyên việc tư vấn, tuyên truyền trực tiếp hoặc qua các trang thông tin điện tử,mạng xã hội như: Zalo, faceboook, qua tổng đài chăm sóc khách hàng… về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, cũng như những thiệt thòi khi rút BHXH một lần, nhất là những người đến nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Tiếp tục phát huy mô hình xã điểm, thôn điểm trong tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; tạo mọi điều kiện để các địa phương triển khai tháng cao điểm, đợt cao điểm phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng