Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp da giày phát triển bền vững trên thương trường quốc tế

(Xây dựng) – Đứng trước xu thế toàn cầu, ngành da giày buộc phải đưa ra những định hướng và hành động rõ ràng để phát triển bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp da giày phát triển bền vững trên thương trường quốc tế
Công nhân sản xuất giày trong nhà máy ở Bình Dương.

Không thể nằm ngoài xu hướng

Chia sẻ về khó khăn xuất khẩu da giày với báo chí, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh Bình Dương cho biết, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Hiện nay các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới, các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới về an toàn sinh thái, bền vững. Theo yêu cầu của thị trường này, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về vòng đời sản phẩm, phải tái chế sản phẩm; thẩm định chuỗi cung ứng bền vững với các doanh nghiệp có doanh số 450 triệu Euro và trên 1.000 lao động; vấn đề truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.

Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp da giày phát triển bền vững trên thương trường quốc tế
“Xanh hóa” ngành dệt may, da giày là xu thế toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương cho hay, với việc có 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành da giày.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) phân tích, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường đi bắt buộc, là sự sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia.

Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) đồng quan điểm, nếu như trước đây các hoạt động phát triển bền vững chủ yếu mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua các chính sách của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, EU.

Cụ thể, đối với thị trường EU, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất…

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Latvia, Đan Mạch cho biết, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường. Đồng thời, các sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý đến các quy định về “nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu”, được áp dụng cho tất cả các nước Bắc Âu như: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Bắc Âu được coi là khu vực các nước có nền văn minh cao nhất thế giới. Khi mua một sản phẩm, họ không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Sản xuất theo tiêu chuẩn xanh

Trên thực tế, trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về. Trong cơ cấu giá trị của đôi giày, chi phí nguyên phụ liệu chiếm đến 70%, vì vậy dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp.

Hạn chế lớn nhất của ngành da giày Việt Nam là sự phát triển không đồng đều ở các khâu, đặc biệt là ở công đoạn đầu trong chuỗi giá trị sản xuất nguyên liệu, thiết kế mẫu mã. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu USD nguyên phụ liệu cho công đoạn này. Toàn ngành hiện có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu…

Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp da giày phát triển bền vững trên thương trường quốc tế
Ngành da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Gia Định cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình – TBS (Bình Dương) nhận định, ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do nhưng việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Hiện TBS đã có Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn phòng túi xách TBS Group và đang đề xuất xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu.

Tại Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (Bình Dương), doanh nghiệp đang sản xuất, gia công đế, khuôn mẫu giày… với 2 nhà máy hơn 1.800 lao động. Công ty xuất khẩu hàng sang Mỹ, EU và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Lãnh đạo Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương đánh giá, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu rất lớn. Do vậy, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp trong lĩnh vực phải thay đổi để đáp ứng các quy định mới của EU.

Để ngành giày da phát triển bền vững, các doanh nghiệp đề xuất cần hình thành khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành giày da, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ với các cơ chế, chính sách thích hợp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích