Đồng bằng sông Cửu Long: Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch gần 35.000 tỷ đồng
(Xây dựng) – Ngày 09/7, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ I – Năm 2024 và họp mặt kỷ niệm 64 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2024). Theo báo cáo của Hiệp hội, trong 6 tháng đầu năm 2024, ĐBSCL đón 29.923.135 lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch là 34.871,782 tỷ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường phát biểu tại Hội nghị. |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực ĐBSCL có bước tiến triển khá tốt: Ước tổng số khách đến ĐBSCL là 29.923.135 lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023 (tăng 33,56% so với cùng kỳ 2019; trong đó, khách quốc tế là 1.325.408 lượt, tăng 38,72% so với cùng kỳ 2023 (giảm 24,68% so với cùng kỳ 2019); Khách nội địa: 28.606.727 lượt, tăng 10,22% so với cùng kỳ 2023 (tăng 37,81% so với cùng kỳ 2019); Tổng thu từ hoạt động du lịch là 34.871,782 tỷ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023 (tăng 72,98% so với cùng kỳ 2019).
Trong 6 tháng qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã nỗ lực cùng các địa phương trong vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp du lịch phối hợp đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác – xúc tiến, quảng bá du lịch: Tổ chức Đoàn khảo sát khảo sát điểm đến Campuchia – Thái Lan và Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Bangkok Thái Lan năm 2024; tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”; tổ chức Chương trình khảo sát điểm đến và Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội… và các cuộc họp liên quan đến hoạt động của Hiệp hội.
Tổ chức khảo sát, thẩm định, bình chọn và ban hành Quyết định công nhận 04 “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” đợt 1 năm 2024, gồm: An Giang 01 điểm (tái công nhận), Trà Vinh 02 điểm, Tiền Giang 01 điểm. Nâng tổng số “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” là 56 điểm.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ phối hợp tổ chức khảo sát điểm đến và Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Quảng Ninh năm 2024, dự kiến tháng 10/2024. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL năm 2025; Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL tại Trung Quốc năm 2025. Phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”, dự kiến vào ngày 12/9/2024. Phối hợp tổ chức “Hội thi Hướng dẫn viên du lịch” cấp vùng ĐBSCL vào đầu năm 2025…
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển 2 cụm du lịch phía Đông và phía Tây: Thành lập Ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL; Xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL: Căn cứ Mục II, Chương VII. Luật Du lịch năm 2017 và nhu cầu thực tiễn của vùng, cần xúc tiến thành lập Quỹ. Kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster – cụm ngành du lịch”. Có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, kiến thức du lịch bản địa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại các cụm – không gian du lịch vùng được xác định.
Du khách thăm quan Vinpearl Safari Phú Quốc. |
Kiến nghị, đề xuất Chính phủ có chủ trương kéo dài thời gian áp dụng chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí… đối với các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ du lịch đến cuối năm 2024, cụ thể: Kéo dài giảm VAT và kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 2021/N-CĐ-CP về giảm mức ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành đến hết năm 2024; Chính sách giảm 50% phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên; Về chính sách giảm giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện của các ngành sản xuất.
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam quan tâm hỗ trợ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực du lịch ĐBSCL. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho kết cấu hạ tầng du lịch vùng ĐBSCL. Hỗ trợ kinh phí xúc tiến quảng bá ngoài nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…; xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch. Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và xúc tiến du lịch ĐBSCL từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia.
Đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Tham mưu, đề xuất, tổ chức các Văn phòng đại diện Xúc tiến du lịch tại các địa bàn thị trường trọng điểm. Hỗ trợ hướng dẫn về việc đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đề nghị các Sở quản lý du lịch và các Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL: Tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai Nghị Quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Nghị quyết số 82/NQCP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; các kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và các báo cáo liên quan tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11/2023.
Tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, UBND các tỉnh, thành ĐBSCL, đối với sự phát triển du lịch địa phương và vùng ĐBSCL, nhất là huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch. Tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả công tác liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là liên ngành và liên vùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Chỉ đạo xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và các sự kiện văn hóa – du lịch địa phương, để thu hút khách. Thường xuyên kiểm tra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì, ổn định và phát triển các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” trên địa bàn, đã được tái công nhận và công nhận mới trong năm 2023; đồng thời, vận động chỉ đạo xây dựng điểm du lịch mới, để đăng ký bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” đợt 2 năm 2024.
Ninh Kiều địa điểm tiềm năng trở thành khu du lịch cấp quốc gia. (Cảng du thuyền Ninh Kiều) |
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường đánh giá cao kết quả đã đạt được: “Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác du lịch ở ĐBSCL đã có một bước phát triển rõ nét, đã làm được nhiều việc và thu được những kết quả đáng mừng. Thể hiện: Số lượng khách đến, khách lưu trú và tổng doanh thu hàng năm đều tăng. Khách đến gần 30 triệu lượt khách, so với năm 2019 (trước dịch Covid-19) tăng trên 30%; Tổng doanh thu từ du lịch gần 35.000 tỷ đồng, so với năm 2019 tăng trên 50%”.
Công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và công tác tổ chức các sự kiện – lễ hội, ngày càng được quan tâm. Có thể nói, phát triển cả số lượng và chất lượng. Công tác liên kết – hợp tác và công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều tiến bộ cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, trước hết là việc xây dựng và phát triển các khu du lịch quốc gia. Theo Quyết định số 509 ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Theo Quyết định này, Chính phủ đã xác định tập trung hình thành 6 khu vực động lực phát triển du lịch. Đó là: Khu vực 1 (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Ninh Bình), Khu vực 2 (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh), Khu vực 3 (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam), Khu vực 4 (Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận), Khu vực 5 (Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, Khu vực 6 (Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau).
Trong 61 địa điểm tiềm năng, phân bổ tại 6 vùng du lịch được quy hoạch phát triển trở thành khu du lịch cấp quốc gia, Vùng 6 Vùng ĐBSCL có 08 địa điểm: Ninh Kiều (Cần Thơ), Thới Sơn (Tiền Giang), Mang Thít (Vĩnh Long), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), Khu du lịch Tràm Chim (Đồng Tháp), Hà Tiên (Kiên Giang), Nhà Mát (Bạc Liêu), Mũi Cà Mau (Cà Mau).
“Xây dựng, phát triển “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới và làm mới sản phẩm du lịch hiện có. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu xây dựng các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng…” – Chủ tịch Trần Việt Phường chia sẻ.
Nguồn: Báo xây dựng