Bắc Ninh: Thúc đẩy hợp tác công nghệ xanh
(Xây dựng) – Dòng vốn FDI vào Bắc Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút, các tập đoàn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn… cho thấy một thành công lớn của tỉnh.
Một góc KCN Yên Phong, Bắc Ninh. |
Dòng vốn FDI Bắc Ninh duy trì đà tăng trưởng mạnh
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, với 244 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng gấp gần 2 lần so với năm 2023, với tổng vốn 1,102 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước); điều chỉnh vốn 87 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng 424 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng hơn 1,526 tỷ USD. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp cũng duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, với chỉ số sản xuất tháng 6 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Để thu hút các nguồn lực đầu tư mới, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác đi làm việc, xúc tiến đầu tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là các nước có tiềm năng, lợi thế phù hợp với sự phát triển kinh tế của tỉnh như Trung Quốc, Cộng hòa Nam Phi, Nhà nước Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Hàn Quốc, Nepal, Ấn Độ, Ca-dắc-xtan…
Trong khuôn khổ làm việc diễn ra nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm xúc tiến đầu tư với chủ đề “Bắc Ninh – Nơi lựa chọn sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam”, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, đối tác tham dự, mở ra các cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư mới vào tỉnh.
Dòng vốn FDI vào Bắc Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh. |
Tại các diễn đàn này, lãnh đạo tỉnh đã truyền tải thông điệp, cũng như định hướng thu hút đầu tư của Bắc Ninh. Đó là Bắc Ninh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành: Công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, chất bán dẫn; y sinh; thiết bị 5G, 6G. Tỉnh luôn sẵn sàng mặt bằng sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, để hỗ trợ các doanh nghiệp. Chào đón các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào tỉnh, cùng chung tay với Bắc Ninh mang lại lợi ích tốt đẹp cho các bên liên quan. Bắc Ninh cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an ninh, an toàn với phương châm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn, thất bại của doanh nghiệp cũng là khó khăn, thất bại của tỉnh”.
Dòng vốn FDI vào Bắc Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút, các tập đoàn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn… cho thấy một thành công lớn của tỉnh. Bắc Ninh vẫn đang nỗ lực, quyết tâm làm mới để duy trì vị thế dẫn đầu với các lợi thế về hạ tầng, đất đai; nguồn nhân lực và môi trường đầu tư.
Có thể nhận thấy vốn FDI đang có sự dịch chuyển về địa bàn, thay vì Hàn Quốc, các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều dự án được cấp mới tại tỉnh là: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… Trong tổng số 2.347 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Bắc Ninh, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan, Hồng Kông) có 343 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn hơn 3,33 tỷ USD.
Nhằm thu hút, thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư về cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chuyển đổi số, thương mại dịch vụ, du lịch, logistics… Bắc Ninh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của Trung tâm Hành chính công của tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa điện tử cấp xã gắn với đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Rà soát, khắc phục những chỉ số thành phần có điểm số thấp để nâng cao các chỉ số quản trị địa phương…
Foxconn đầu tư thêm hơn 383 triệu USD
Nổi bật trong đó là hồi cuối tháng 6/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FCPV Foxconn Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh, huyện Tiên Du. Theo đó, Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh được đầu tư với mục tiêu là sản xuất linh kiện điện tử, chuyên sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm tương đương 2.989 tấn/năm.
Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 142.693,3 m² với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 9.456,75 tỷ đồng VNĐ tương đương 383,33 triệu USD. Dự án đặt tại Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh, là một trong những khu công nghiệp tại Bắc Ninh của Tập đoàn Phát triển Thành phố Kinh Bắc.
Công nhân làm việc tại Fxconn Khu công nghiệp Quế Võ. |
Nhằm thực hiện dự án FCPV Foxconn Bắc Ninh, Foxconn Singapore PTE LTD, một công ty con của tập đoàn Foxconn có trụ sở tại Singapore, cũng đã thành lập Công ty TNHH Bảng mạch chính xác Foxconn.
Foxconn được thành lập tại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1974, có nền tảng là sản xuất khuôn mẫu, sau đó từng bước phát triển thành một doanh nghiệp dịch vụ công nghệ cao. Tập đoàn này đứng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ điện tử (EMS), với thị phần hơn 40%, bao gồm bốn lĩnh vực sản phẩm chính: hàng điện tử tiêu dùng, điện toán đám mây, thiết bị đầu cuối máy tính, linh kiện và các lĩnh vực khác.
Foxconn bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào năm 2007 bằng việc xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Quế Võ. Đến nay, Foxconn đã có nhà máy tại các khu công nghiệp Quế Võ, Đại Đồng – Hoàn Sơn, VSIP tại Bắc Ninh; khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu tại Bắc Giang và khu công nghiệp Đông Mai tại Quảng Ninh với tổng số nhân lực hơn 60.000 công nhân viên, kỹ sư và chuyên gia. Tính tới tháng 2/2024, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.
Để thu hút dòng vốn ngoại, tỉnh chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Bắc Ninh quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN, duy trì hoạt động hiệu quả của bộ phận “một cửa” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ 3, 4.
Với phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh”, “tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp”, Bắc Ninh xây dựng hàng loạt các mô hình hỗ trợ, giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp như Mô hình bác sĩ doanh nghiệp, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; Tổ phản ứng nhanh “3 nhất”; xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các khó khăn, kiến nghị cho doanh nghiệp trên các nền tảng Zalo, website cổng thông tin điện tử tỉnh, email…
Nguồn: Báo xây dựng