Tập trung hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Đất đai năm 2024
Để Luật Đất đai năm 2024 sớm vào đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các văn bản thi hành liên quan theo đúng thời hạn đề ra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại các địa phương trên cả nước.
Sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống sẽ góp phần phát huy các nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên đất đai. Trong ảnh: Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: MỸ HÀ) |
Luật Đất đai là bộ luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Luật Đất đai sửa đổi (Luật Đất đai năm 2024) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Luật Đất đai năm 2024, gồm 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.
Đồng thời, Luật Đất đai năm 2024 cũng thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai; góp phần thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch… tạo động lực đưa đất nước ta phát triển có thu nhập cao.
Điểm nổi bật của Luật Đất đai năm 2024 là quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Đáng chú ý, tại Chương VI về thu hồi đất, trưng dụng đất (gồm 13 Điều, từ Điều 78 đến Điều 90), Luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: Nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm thu ngân sách…
Luật đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế. Luật Đất đai năm 2024 còn bảo đảm hài hòa quyền lợi và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Để Luật Đất đai năm 2024 được thực thi kịp thời, hiệu quả, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền những điểm mới của luật đến nhiều đối tượng.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15”. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai; tổ chức rà soát các văn bản có liên quan đến đất đai để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ.
Bên cạnh đó, bộ tập trung tuyên truyền, tập huấn phổ biến Luật Đất đai, nhất là các quy định mới nhằm sớm đưa các quy định của pháp luật đất đai vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã cơ bản được hoàn thành theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho phép cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm hơn so với kế hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế cuộc sống, góp phần khơi thông nguồn lực cũng như phát huy giá trị to lớn của các nguồn lực đất đai, đáp ứng nguyện vọng của các địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về những nội dung, điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 đến các lãnh đạo chủ chốt các đơn vị tại địa phương; đồng thời tiếp tục đề nghị các địa phương cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; bảo đảm phát huy những chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của địa phương mình.
Mới đây, tại cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia, đại diện Hiệp hội Bất động sản để rà soát, hoàn thiện dự thảo các nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp cho cơ quan soạn thảo về thể thức, thuật ngữ, kỹ thuật soạn thảo; khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành theo đúng thời hạn đề ra.
Nguồn: Báo xây dựng