Bài 3: Hà Tiên – Triển vọng vươn lên xứng tầm đô thị trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(Xây dựng) – Quyết định số 189/QĐ-TTg, ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Theo Đồ án, quy hoạch thành phố Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về sinh thái. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung Thành phố và Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. |
Ba nhóm chiến lược phát triển…
Theo Quy hoạch, thành phố Hà Tiên có tổng diện tích khoảng 34.800ha, trong đó toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính là khoảng 10.049ha, gồm 5 phường: Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu, Mỹ Đức; 2 xã: Thuận Yên và xã đảo Tiên Hải, và phần diện tích khoảng 24.751ha mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã, phường thuộc đất liền của thành phố Hà Tiên để nghiên cứu định hướng hướng lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo. Vị trí được xác định phía Đông giáp huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, phía Tây giáp vịnh Thái Lan, phía Nam giáp huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia.
Định hướng phát triển Hà Tiên gắn với 03 nhóm chiến lược: Các chiến lược phát triển tổng quan; Các chiến lược phát triển đô thị và kinh tế cốt lõi; Các chiến lược phát triển nền tảng. Theo đó, phát triển không gian theo mô hình đô thị di sản, lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm và được chia thành 8 khu vực phát triển: Đô thị truyền thống, đô thị phát triển du lịch di sản, văn hóa, lịch sử, tham quan danh lam thắng cảnh; đô thị cửa khẩu, logistics, du lịch nghỉ dưỡng quá cảnh, mua sắm, du lịch sinh thái ngập nước; đô thị du lịch cộng đồng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; đô thị du lịch chuyên đề, du lịch khám phá, sinh thái biển, phát triển cảng, sân bay chuyên dụng phục vụ du lịch và giao thông đô thị kết nối với Phú Quốc và cùng lân cận… với hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tổ chức không gian, sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan phù hợp đặc trưng của từng khu vực phát triển, có tính toán đến yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ chủ quyền quốc gia biên giới, biển đảo.
Theo Đồ án quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040, thành phố Hà Tiên tập trung phát triển theo chiều sâu, các khu chức năng nghiên cứu, đào tạo, công nghiệp chế tạo; du lịch văn hóa, di sản, du lịch chuyên đề sáng tạo, du lịch quá cảnh, du lịch làm việc từ xa, du lịch MICE, du lịch mua sắm và du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại lễ công bố Đồ án Quy hoạch chung Thành phố và Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. |
Trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2040, tập trung phát triển các chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên theo quy mô 1.600ha được xác định tại Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Các chức năng cơ bản của cửa khẩu quốc tế gồm: Quốc môn; khu vực thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; khu vực hành chính, làm việc của cơ quan Nhà nước liên quan; khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ, thương mại phi thuế quan; khu vực cấm; khu vực kiểm dịch và cách ly y tế; khu vực cách ly miễn dịch động vật tươi sống; khu vực an ninh, biên phòng. Các khu vực chức năng khác gồm: Dịch vụ hỗ trợ khách sạn và du lịch; thương mại logistics hiện đại; khu dân cư; khu phố chuyên đề; khu phố dịch vụ thương mại; khu vực tổ hợp ngành dịch vụ hiện đại; dịch vụ thương mại, kinh doanh điện tử xuyên quốc gia; khu vực dịch vụ kiểm tra thủ tục hải quan liên ngành; khu vực hợp tác quốc tế; hội chợ thương mại, phi thuế quan…
Vào trung tuần tháng 3/2024, tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, Ủy viên Trung Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Việc xây dựng và phát triển Hà Tiên đã được Chính phủ, các cơ quan Trung ương và tỉnh Kiên Giang quan tâm từ rất sớm. Đồ án quy hoạch chung thị xã và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/2000/QĐ-TTg ngày 03/3/2000. Sau hơn 20 năm thực hiện quy hoạch đã phát huy tác dụng quan trọng, là cơ sở để đầu tư xây dựng, nâng cao trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáng kể cho đô thị Hà Tiên. Đến nay, thành phố Hà Tiên đã được công nhận là đô thị loại III, trở thành một trong những thành phố giáp biển hấp dẫn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hạ tầng khá đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, khởi sắc nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt thành lập thành phố Hà Tiên trực thuộc tỉnh Kiên Giang tại Nghị quyết 573/NQ-UBTVQH14 ngày 11/9/2018. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, tâm huyết, trí tuệ và công sức của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Hà Tiên qua nhiều thế hệ.
Những bất cập cần tháo gỡ
Mặc dù, Hà Tiên đã nhiều nỗ lực quy hoạch và định hướng phát triển như vậy nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, điểm nghẽn để thành phố Hà Tiên xây dựng và phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, những bất cập đó là:
Mô hình, động lực phát triển thành phố Hà Tiên theo quy hoạch từ năm 2000 đã đến giới hạn, thiếu các hạt nhân tạo thị và động lực tăng trưởng mới. Phạm vi quy hoạch chung trước đây chỉ chiếm khoảng 1/6 diện tích tự nhiên của thành phố, không gian đô thị, bị bó hẹp với cấu trúc cài răng lược, chồng lấn chức năng giữa khu kinh tế và đô thị, giữa khu vực dân sinh với các chức năng ngoài đô thị; Các quy hoạch phân khu và chi tiết không xác lập được các giới hạn tăng trưởng tối ưu, từ đó dẫn tới khai thác chưa tối ưu giá trị quỹ đất và không gian đô thị…
Hà Tiên là một trong các đô thị có mật độ di sản cao, du lịch phát triển nhanh, nhưng hạ tầng kinh tế, du lịch, tổ chức không gian phục vụ du lịch chưa tương xứng. Nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt về di sản văn hóa – lịch sử, cảnh quan và văn hóa cộng đồng của thành phố cũng chưa được đánh giá chính xác và phát huy giá trị đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Năng lực cạnh tranh nội vùng, quốc gia, quốc tế của thành phố cũng chưa được xác lập một cách rõ nét và vượt trội.
Quá trình hình thành và phát triển Hà Tiên đã diễn ra trong nhiều thời kỳ với xu thế, trình độ, công nghệ và phong cách khác nhau. Hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiện ích đô thị, nông thôn và các khu vực chức năng ngoài đô thị (công nghiệp, cửa khẩu, du lịch) chưa hoàn thiện và tương thích. Hiện nay, các quy hoạch đô thị và nông thôn trong địa bàn vẫn được triển khai thực hiện, song do hạn chế của ranh giới quy hoạch chung dẫn tới chưa xác lập được hệ thống khung pháp lý về quản lý đô thị, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cho toàn thành phố.
Trước những yêu cầu của thực tế đặt ra như trên, nhằm xây dựng và phát triển Hà Tiên xứng đáng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang, một trong những trung tâm kinh tế hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị di sản của cả nước, việc lập Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên cho thời kỳ quy hoạch mới, đến năm 2040 là hết sức cần thiết và kịp thời.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư vào Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. |
8 “hiến kế” của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Phát biểu tại Hội nghị công bố “Đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040”, trung tuần tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: “Để việc tổ chức thực hiện và triển khai Quy hoạch chung Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040 bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, tính chất và tuân thủ định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã được hoạch định, nhân Hội nghị công bố quy hoạch này, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang lãnh đạo, chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Tiên, Ban quản lý Khu kinh tế của khẩu Hà Tiên; các Sở, ban ngành thuộc tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương triển khai các công việc trọng tâm:
Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; tổ chức rà soát lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; rà soát các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật khung theo đúng quy định, tuân thủ Quy hoạch được duyệt và tuân thủ Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai, đầu tư, lâm nghiệp và các quy định pháp luật; quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành khác có liên quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư phát triển và đáp ứng yêu cầu quản lý tại thành phố Hà Tiên.
Sớm xây dựng và ban hành Chương trình phát triển đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc để quản lý, tạo dựng các công trình kiến trúc có tính đặc trưng, tính biểu tượng đặc sắc và là cơ sở để tập trung đầu tư hướng đến thành phố Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.
Quá trình tổ chức quy hoạch mới được công bố ngày hôm nay cần phải bảo vệ nghiêm ngặt di sản, diện tích rừng, hệ thống sông, đầm tự nhiên, các không gian ven biển, các không gian sinh hoạt công cộng, các giá trị thiên nhiên, nhân văn, các bản sắc riêng có của thành phố Hà Tiên. Theo đó, phải quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt biển, vùng bờ, bảo tồn biển; xây dựng các biện pháp phù hợp để bảo vệ các điểm di tích, di sản, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… trên địa bàn thành phố Hà Tiên theo đúng quy định hiện hành.
Quản lý chặt chẽ việc đầu tư, phát triển phù hợp với định hướng phát triển, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch, yêu cầu về không gian, kiến trúc cảnh quan theo đồ án quy hoạch; bảo đảm việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Hà Tiên. Đặc biệt quan tâm tăng cường quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.
Chủ động xây dựng các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là khu vực ven biển đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đối với khu vực lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo: Các bước triển khai tiếp theo phải tuân thủ quy định hiện hành của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đất đai, quy định pháp luật và các quy định khác có liên quan; các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và chuyên ngành khác có liên quan; tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thận trọng công tác đánh giá môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái biển đảo, địa chất thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia biển đảo.
Một góc thành phố Hà Tiên. |
Để thực hiện và phát huy hiệu quả quy hoạch chung Hà Tiên; Tỉnh cần tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù huy động và sử dụng nguồn lực tài chính phù hợp nhất để đầu tư phát triển thành phố Hà Tiên bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong quá trình triển khai Đồ án quy hoạch quan trọng này, rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên và Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên quan tâm, đặt lên hàng đầu lợi ích của người dân Hà Tiên, nâng lên đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của nhân dân Hà Tiên đồng thời đảm bảo hài hòa chia sẻ lợi ích giữa nhà nước – người dân và doanh nghiệp”.
Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên cùng với Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên và Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trong quá trình thực hiện quy hoạch Hà Tiên đến năm 2040 để hiện thực hóa Đồ án Quy hoạch chung và cùng hướng tới mục tiêu phát triển Hà Tiên bền vững, đóng góp tích cực cho phát triển của tỉnh, của Vùng và cả nước. Triển vọng không xa, thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản, đô thị trọng tâm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như kỳ vọng hoạch định.
Nguồn: Báo xây dựng