Triển vọng mới của xuất khẩu da giày Việt Nam
(Xây dựng) – Với các tín hiệu khởi sắc trong những 2 quý đầu năm 2024, xuất khẩu da giày Việt Nam đang có những triển vọng mới với gam màu tươi sáng trong bức tranh chung toàn thị trường.
Xuất khẩu giày dép có nhiều điểm sáng trong những tháng đầu năm. (Ảnh minh họa) |
Những tín hiệu khởi sắc
Hiện Việt Nam là nước đứng thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 – 27 tỷ USD năm 2024.
So với năm trước, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 đã có nhiều khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ từ những tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024…
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê và Hải quan cho thấy, Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, dệt may và da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước và chỉ xếp sau mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện khác.
Trong đó, mặt hàng dệt, may đạt 13,116 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023; giày, dép đạt 8,639 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Có thể nói, đây là kết quả hết sức khả quan trong bối cảnh năm 2023 vừa qua ngành hàng này đối mặt nhiều thách thức với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 20,24 tỷ USD, giảm tới 15,3% (tương ứng giảm 3,66 tỷ USD) so với năm trước.
Nhiều chuyên gia phân tích, năm 2024 có những tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu giày dép. Các nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành da giày Việt Nam có khởi sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với lộ trình giảm thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường…
Với những yếu tố nêu trên và kết quả xuất khẩu khởi sắc trong hơn 1 tháng qua, kỳ vọng ngành hàng quan trọng này sẽ có những tăng trưởng khả quan trong năm 2024.
Là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định chia sẻ, gần đây doanh nghiệp của ông nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới.
Cũng theo ông Trung, để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 – 2,5 tiếng. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp tập trung mở rộng các thị trường nhỏ, tìm kiếm các thị trường mới.
Phát huy lợi thế, vượt qua thách thức
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm.
Theo bà Xuân, đối với thị trường xuất khẩu, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024. (Ảnh minh họa) |
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam năm 2024 có khởi sắc. Đặc biệt, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác.
15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với lộ trình giảm thuế ngắn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường; chất lượng nguồn lao động tốt với kỹ năng hơn 30 năm sản xuất giày dép cùng uy tín thương hiệu giày dép made in Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Trong năm 2024, bên cạnh thị trường có các FTA, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn.
Với phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao. Sắp tới, ngành giày dép không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.
Sản xuất giày tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (huyện Đan Phượng, Hà Nội). |
Bàn về một số tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng… có thể được các thị trường nhập khẩu giày dép lớn của Việt Nam áp dụng ngay trong năm này và một vài năm tới sẽ tác động tới xuất khẩu của ngành, bà Xuân cho rằng, việc tuân thủ là bắt buộc.
“Khi tuân thủ các quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều hoạt động nhằm nâng cấp năng lực nội tại. Việc nâng cấp phải từ công nghệ, quản lý, cùng đó chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi chi phí đầu ra tăng rất thấp, đó là sức ép cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một thế giới cạnh tranh bình đẳng nếu chúng ta muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng bắt buộc phải tuân thủ”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam phân tích.
Đối với cơ chế định giá carbon (CBAM), bà Xuân cho hay, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn nên cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam khoảng 6 tỷ Euro mỗi năm, do đó việc chuẩn bị để thay đổi và ứng phó với quy định này là cần thiết.
Để làm được điều này, đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin, quy trình để đáp ứng và tuân thủ CBAM. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực lớn về con người và công nghệ, tài chính để tiến tới đáp ứng CBAM.
Vì vậy, doanh nghiệp không thể đơn lẻ khi ra biển lớn mà cần phải cùng tham gia vào hoạt động mạng lưới tốt hơn để nắm bắt thông tin, có kế hoạch chuẩn bị sâu hơn, tốt hơn, học hỏi và rút kinh nghiệm mới có thể thành công đáp ứng các quy định và tham gia chuỗi cung ứng.
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, doanh nghiệp cần ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật thông tin, ra quyết định kịp thời. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng bộ phận tuân thủ. Bộ phận này cập nhật thông tin về các yêu cầu của khách hàng để chuyển về hệ thống sản xuất một cách chính xác.
Nguồn: Báo xây dựng