Mô hình khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng phát triển tất yếu

(Xây dựng) – Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường mà còn là giải pháp công nghiệp xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mô hình khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng phát triển tất yếu
Phát triển khu công nghiệp sinh thái là xu thế tất yếu.

Yêu cầu bắt buộc thu hút đầu tư

Tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, mô hình KCN sinh thái đã được cụ thể hóa. Mô hình này được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nước ta có hơn 412 KCN, trong đó có 293 KCN đang hoạt động trên 61 tỉnh/thành phố và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng, việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Mô hình khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng phát triển tất yếu
Cần nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Các chuyên gia cũng định đưa ra định nghĩa và khẳng định, KCN sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên cùng một địa bàn và cùng tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thông qua các hoạt động cộng tác về quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên. Điều này cũng có nghĩa là cộng sinh công nghiệp, hay nói cách khác các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc trao đổi và chia sẻ nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ; từ đó tăng cường phát triển bền vững và bao trùm. Đây là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN bền vững, loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Do đó, phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các KCN và cộng đồng dân cư xung quanh KCN trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế – xã hội – môi trường.

Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay không còn là giải pháp được Chính phủ khuyến nghị, mà đã và đang trở thành một yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI…

Cần nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là huy động, phân bố lại và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực (gồm cả tài nguyên thiên nhiên) để nền kinh tế có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn… Như vậy, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiệu quả (định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh…) chính là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mô hình khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng phát triển tất yếu
Nước thải đã được xử lý đạt loại A QCVN 40:20021/BTNMT trước khi đổ ra kênh tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) trong phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng vì thu hút đầu tư gắn với tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thực hiện vẫn còn những bất cập nhất định, như sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật; sự cẩn trọng “xin ý kiến qua lại giữa các cơ quan quản lý” trong xem xét đánh giá, giải quyết các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp… khiến nhiều việc đã có phần bị chậm lại. “Tình trạng đó nếu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện phát triển các KCN sinh thái trong giai đoạn tới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và Nghị quyết số 50-NQ/TW/2019”, chuyên gia này nhận định.

Chia sẻ tại Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt do Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển vừa diễn ra gần đây, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec chia sẻ, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022 quy định về quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng mới các KCN sinh thái, hoặc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi, các đơn vị gặp không ít khó khăn.

Cũng theo Hoàng Tuấn Anh, phải quan tâm xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái. Trong đó, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho KCN sinh thái.

“Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec nhấn mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích