Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/7/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/7/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/7/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 12/7/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Công bố 9 dự án trọng điểm phục hồi môi trường
Tin trên Tiền Phong, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu chính là chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quy hoạch là thực hiện quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.
Một số nhiệm vụ cụ thể được Quy hoạch nêu ra như xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ. Chủ động kiểm soát, cảnh báo ô nhiễm môi trường nước mặt lưu vực sông liên quốc gia; phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước các lưu vực sông. Tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số lưu vực sông.
Nhiệm vụ nữa là thực hiện phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước dưới đất trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất. Kiểm soát tác động từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đến môi trường nước dưới đất.
Thực hiện phòng ngừa và kiểm soát các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các nước liên quan để xử lý các vấn đề môi trường biển.
Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí. Kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện việc di dời các cơ sở không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của phân vùng môi trường, đồng thời tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất.
Ngoài ra, thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất và xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi các khu vực đất bị ô nhiễm, các điểm tồn lưu dioxin, xăng dầu do chiến tranh để lại và hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Để triển khai các nhiệm vụ trên, Quy hoạch công bố 9 chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực môi trường từ nay đến năm 2030.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì 3 dự án gồm dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường theo phân vùng môi trường, dự án tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường và đề án thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai dự án phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đã bị suy thoái.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao chủ trì 5 nhiệm vụ quan trọng gồm tăng cường năng lực phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh; xây dựng và nâng cấp trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cuối cùng là cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn đã đóng cửa.
Biển Đông khả năng xảy ra áp thấp nhiệt đới, Nam Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trên khu vực giữa Biển Đông đang hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Từ ngày 13-7 đến 14-7 trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành một vùng áp thấp nhiệt đới. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ổn định sau hoạt động mạnh dần lên và lấn Tây.
Miền Bắc chịu ảnh hưởng của rìa phía Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây, sau hoạt động yếu và đầy dần lên, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao hoạt động yếu, áp và độ ẩm ít thay đổi sau tăng.
Miền Nam chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam hệ thống thời tiết phân tích trên, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần lên, áp và độ ẩm thay đổi ít. Theo đó, những ngày tới thời tiết Nam Bộ nhiều mây, có mưa rào xảy ra nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to.
Từ ngày 14-7 đến đêm 21-07, tại Nam Bộ, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, gió mùa Tây Nam ở phía Nam hoạt động mạnh.
Trên cao, áp cao cận nhiệt đới lấn Tây, vùng hội tụ gió trên cao trên khu vực Bắc Bộ có khả năng hoạt động mạnh dần lên. Theo đó, thời tiết Nam bộ từ ngày 14-7 đến 21-7 chiều và đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Bến Tre: Người dân lại chặn xe vào bãi rác An Hiệp
Ngày 11/7, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) thông tin, người dân địa phương tiếp tục chặn xe chở rác vào bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vì cho rằng bãi rác này gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, sáng ngày 11/7, hàng chục người dân sống gần bãi rác An Hiệp đã tập trung để chặn xe chở rác vào đây đổ. Hiện có 5 xe chở rác phải xếp hàng trên đường vào bãi rác để đợi cơ quan chức năng xử lý.
Người dân địa phương cho biết, hơn 1 tháng nay khi bắt đầu mùa mưa tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác tiếp tục tái diễn, nước rỉ từ bãi rác thoát ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.
Cũng là tình trạng này, trước đó, ngày 15/7/2023, một số người dân chặn xe chở rác, ngăn cản không cho đổ rác tại bãi rác An Hiệp. Từ đó, các xe rác không có chỗ đổ, dẫn đến lượng rác ùn ứ trong phạm vi lớn thuộc địa bàn huyện Ba Tri, Châu Thành và thành phố Bến Tre, gây tác động đến nhân dân và an toàn xã hội.
Nhận thấy được tình hình đó, UBND tỉnh Bến Tre có buổi đối thoại trực tiếp với các hộ dân tại đây và hứa trong 1 tháng sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến ngày 17/8/2023, bãi rác An Hiệp cơ bản khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường để tiếp nhận rác. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, tình trạng ô nhiễm môi trường lại tái diễn khiến người dân bức xúc, tiếp tục chặn xe vào bãi rác An Hiệp.
Hiện, xung quanh bãi rác An Hiệp có 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1.000m thuộc địa phận 2 xã: An Hiệp, An Đức bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ bãi rác.
Mưa lớn, lốc quét nhiều hộ dân ở Đắk Lắk bị thiệt hại rất lớn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo nhanh về thiệt hại do mưa lớn kèm lốc sét, mưa đá ngày 6-7/7 trên địa bàn huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk).
Theo báo cáo, trong các ngày 6-7/7, trên địa bàn huyện Cư Mgar ghi nhận có mưa lớn kèm theo lốc, mưa đá. Mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo giông lốc và mưa đá làm 6 nhà dân bị tốc mái và gãy đổ một số diện tích cây ăn quả (chủ yếu là cây sầu riêng). Ước tính thiệt hại hơn 18 tỉ đồng.
Về nhà ở, có 6 nhà dân bị tốc mái. Cụ thể, xã Ea Tar (huyện Cư Mgar) 4 hộ, xã Ea H’đing (huyện Cư Mgar) 2 hộ.
Về sản xuất nông nghiệp, có 226 cây sầu riêng (chuẩn bị thu hoạch) bị gãy, đổ, sản lượng bị thiệt hại khoảng 199 tấn. Ngoài ra, còn có một số cây hồ tiêu và cây ăn quả khác bị thiệt hại. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa, tổng lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt 418,3mm, bằng 23,5% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm, tương đương 68,3% trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Để chủ động ứng phó với thiên tai ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, để chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mặt khác, chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.
Nepal: Hai xe buýt bị cuốn xuống sông, ít nhất 60 người mất tích
Sáng sớm 12/7, ít nhất 60 người ở Nepal mất tích, sau vụ lở đất dọc theo đường cao tốc Madan-Ashrit ở miền Trung nước này đã cuốn 2 chiếc xe buýt chở khách xuống dòng sông gần đó.
Nhà chức trách cho biết, 2 xe buýt chở tổng cộng 63 người, bao gồm cả lái xe. Vụ việc xảy ra gần Simaltal, cách Thủ đô Kathmandu khoảng 120 km về phía Tây, hiện hoạt động tìm kiếm cứu hộ đang diễn ra khẩn trương.
Đến nay, 3 người may mắn sống sót đã được tìm thấy. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu vết nào của những chiếc xe buýt gặp nạn, có khả năng chúng đã bị nhấn chìm và cuốn trôi về phía hạ lưu sông Trishuli.
Các con sông ở Nepal nhìn chung có dòng chảy xiết do địa hình đồi núi. Những trận mưa lớn trong vài ngày qua đã khiến việc tìm kiếm người mất tích trở nên khó khăn hơn.
H.Hà (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị