Thái Bình: Vì sao một cá nhân được chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở? (Bài 3)
Thái Bình: Vì sao một cá nhân được chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở? (Bài 3)
Ngay sau phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về sự việc trên, UBND huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã yêu cầu lãnh đạo xã Minh Tân làm báo cáo, đồng thời Công an huyện Kiến Xương cũng vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.
Chiều ngày 10/7, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, một lãnh đạo UBND xã Minh Tân cho biết, liên quan đến nội dung phản ánh của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về việc cho phép cá nhân bà Lê Thị Phượng chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở lâu năm. Ngày 8/7, UBND huyện Kiến Xương đã yêu cầu Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND cùng cán bộ địa chính xã Minh Tân lên báo cáo sự việc.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đến ngày 9/7, xã Minh Tân có báo cáo bằng văn bản sự việc trên về UBND huyện Kiến Xương. Chiều cùng ngày còn có cán bộ Công an huyện Kiến Xương về tìm hiểu, xác minh nội dung báo chí phản ánh.
Khi PV đề nghị được tiếp cận nội dung văn bản báo cáo, vị lãnh đạo nói do Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính bận đi họp về công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thể cung cấp.
Tiếp đến, PV đã liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Kiến Xương để tìm hiểu nội dung báo cáo sự việc của chính quyền xã Minh Tân, vị này nói, việc này cần phải xin ý kiến lãnh đạo huyện.
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Minh Tân phản ánh việc chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở cho bà Lê Thị Phượng là việc hết sức bất thường và chưa có tiền lệ tại địa phương, tuy là đại biểu HĐND xã nhưng chúng tôi không biết được việc này. Lý do được đại biểu cho biết, UBND xã Minh Tân không tổ chức họp bàn, thông qua HĐND xã để đưa vào Nghị quyết làm căn cứ trình UBND huyện Kiến Xương xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp của địa phương. Đại biểu HĐND xã chỉ biết đến khi dư luận tại địa phương ‘xì xào’ bàn tán về việc này.
Theo tìm hiểu, Luật Đất đai số 45/2013/QH13 năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ các trường hợp, điều kiện và thủ tục để chuyển đất nông nghiệp sang đất ở như sau:
Tại điểm d Khoản 1 Điều 57 Chương 5 Luật Đất đai 2013 và Khoản 4 Điều 95 Chương 7 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…
Xét quy định trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Vậy, khi thực hiện các nhiệm vụ này thì Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương thẩm định nhu cầu sử dụng đất của cá nhân bà Phượng thế nào, mà lại trình UBND huyện ban hành hàng loạt các quyết định cho phép bà Phượng chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở. Đây rõ ràng là dấu hiệu bất thường và rất cần cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của tỉnh Thái Bình tiến hành xác minh, điều tra làm rõ.
Ngoài ra, khi cho phép bà Phượng chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở, UBND huyện Kiến Xương có dấu hiệu vi phạm quy định tại Quyết định số 08/2018/QĐ-UB ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh Thái Bình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hạn mức công nhận, hạn mức giao đất, diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh Thái Bình, đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau: “Điều 5: Hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở:1. Hạn mức đất giao không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở tại đô thị không quá 70 m2/hộ; tại nông thôn không quá 150 m2/hộ.
Để thông tin khách quan sự việc, chiều ngày 5/7, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Kiến Xương (chi tiết tại bài viết https://www.moitruongvadothi.vn/thai-binh-vi-sao-mot-ca-nhan-duoc-chuyen-doi-hang-nghin-m2-dat-nong-nghiep-sang-dat-o-bai-2-a166098.html).
Mới đây, liên quan đến vi phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Kiến Xương, ngày 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Bùi Đức Chỉnh – Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Kiến Xương, để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Tiếp đến, ngày 21/6, căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra trên địa bàn huyện Kiến Xương, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiến Xương và Ngô Thị Bích Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Đến ngày 1/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ”, Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Tô Duy Diệp – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Kiến Xương để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị