UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên tại Bỉ
UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên tại Bỉ
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Bỉ trong nỗ lực bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận thêm 11 khu vực trên thế giới trở thành Khu dự trữ sinh quyển, nâng tổng số khu vực được bảo vệ lên 759 tại 136 quốc gia.
Trong số những khu vực mới được công nhận, có một điểm đến nổi bật là Kempen-Broek, đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của Bỉ trên bản đồ Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Kempen-Broek – nằm ở phía Bắc nước Bỉ, mang vẻ đẹp bình dị với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên ấn tượng và dấu ấn lịch sử lâu đời. Nơi đây được biết đến như thiên đường của loài chuồn chuồn với hệ sinh thái đa dạng, bao gồm các đồng cỏ, cánh đồng trù phú ở thung lũng và khu vực cao nguyên dành cho nông nghiệp.
Điểm đặc biệt thu hút du khách là những khu vực hoang dã rộng lớn ở phía Bắc, nơi ẩn chứa những di tích lịch sử nhân loại hấp dẫn. Tọa lạc trên những ngọn đồi, các thị trấn và làng mạc tô điểm cho bức tranh phong phú này, Kempen-Broek là nơi các loài chim sinh sôi và phát triển trong những khung cảnh đa dạng.
Với diện tích 264 km2 và dân số khoảng 75.000 người, Kempen-Broek có ngành du lịch và nông nghiệp đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế địa phương. Việc được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển sẽ góp phần thúc đẩy bảo tồn cảnh quan độc đáo, đa dạng sinh học và di sản văn hóa của khu vực, đồng thời mở ra tiềm năng phát triển du lịch bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Bỉ trong nỗ lực bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Kempen-Broek hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách yêu thích thiên nhiên hoang sơ và văn hóa độc đáo.
Các khu dự trữ sinh quyển mới khác được UNESCO công nhận nằm ở Colombia, Tây Ban Nha, Italy, Mông Cổ, Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc, Cộng hòa Dominicana và Slovenia. Với diện tích 37.400 km2, tương đương diện tích của Hà Lan.
Các Khu dự trữ sinh quyển mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp địa phương cho những thách thức mang tính toàn cầu. Mạng lưới này cung cấp nền tảng cho giới khoa học, cộng đồng địa phương và các nhà hoạch định chính sách thử nghiệm những cách tiếp cận liên ngành nhằm hiểu rõ và quản lý hiệu quả mối quan hệ giữa hệ thống xã hội và kinh tế.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh rằng danh sách này được đưa ra vào thời điểm nhân loại đang “vật lộn với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”.
“Vào thời điểm cộng đồng quốc tế đang được kêu gọi tăng số lượng khu bảo tồn, các khu dự trữ sinh quyển mới này đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương và người dân bản địa cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học”, bà Audrey Azoulay cho biết thêm.
UNESCO nhấn mạnh rằng các khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò khoa học quan trọng, là nơi nghiên cứu và giám sát, cung cấp dữ liệu và hiểu biết có giá trị có thể cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách và quản lý môi trường.
Đồng thời, chúng còn giúp đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu như các mục tiêu do Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đặt ra, trong đó có việc bảo vệ và khôi phục các phần quan trọng của hệ sinh thái Trái đất vào năm 2030.
Những khu dự trữ sinh quyển này cũng thúc đẩy các ý tưởng phát triển bền vững độc đáo của địa phương, bảo vệ đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu.
Các khu dự trữ sinh quyển được chính phủ các nước chỉ định và vẫn thuộc chủ quyền của các quốc gia nơi chúng tọa lạc. Chúng được UNESCO công nhận theo quy trình chỉ định liên chính phủ trong khuôn khổ Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị