Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh
Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh
Ngày 9/7, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh”
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) khẳng định: Tăng trưởng xanh là tất yếu và là xu thế chung toàn cầu.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, trong đó có phát triển logistics xanh gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh…
Theo Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.
Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…
“Khi các mắt xích đều “xanh”, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, vận hành, hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường”, ông Vinh nói và cho biết, phát triển logistics xanh từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải và toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Từ đây, ông Vinh đề xuất Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Chính phủ cần xem xét có nhiều chính sách hơn nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ như có cơ chế ưu đãi về thuế, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng các-bon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…”, ông Vinh nói và cho rằng, phía các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, phát triển logistics xanh là áp lực lớn với các doanh nghiệp.
Chuyển đổi xanh với logistics sẽ bao gồm chuyển đổi năng lượng với các phương tiện, thay đổi phương thức vận tải.
Theo ông Hải, vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải xanh có lợi thế lớn trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon.
“Ngoài ra, các biện pháp về quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất của quá trình là yếu tố quan trọng trong phát triển logistics xanh. Quá trình giao nhận cần đơn giản, tối ưu hoá để mang lại hiệu quả. Cùng đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính”, ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa VN Lê Minh Đạo thông tin, chi phí vận tải thường chiếm khoảng 60-70% chi phí logistics tuỳ hệ thống vận tải. Trong đó, trách nhiệm trong việc duy trì hệ thống vận tải hiệu quả, xanh, thích ứng nhanh là trách nhiệm của ngành GTVT, trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.
Khẳng định vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải xanh, ông Đạo cho biết Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển vận tải thủy khi có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Thế nhưng, hiện ta vẫn khai thác chưa hiệu quả hệ thống vận tải thuỷ.
Tại phía Nam, hiện vận tải thủy đã đáp ứng 40-70% vận tải hàng hoá, nhất là vận tải container kết nối TP.HCM với khu vực Cái Mép. Còn tại phía Bắc, hiện chưa đến 2% sản lượng hàng container vận tải bằng đường thuỷ. Để phát triển vận tải xanh, ông Đạo đánh giá điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.
Những năm qua, Bộ GTVT đã rà soát, trình Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch chuyên ngành của 5 lĩnh vực giao thông, đảm bảo sự phát triển đồng bộ. Cùng đó, thực hiện các giải pháp đầu tư, thông các điểm nghẽn hạ tầng, đầu tư nâng cao tĩnh không các cầu thấp trên các tuyến vận tải thủy huyết mạch như cầu Đuống, các cầu trên tuyến huyết mạch phía Nam, hành lang vận tải phía Bắc…
Bộ GTVT cũng thực hiện nhiều giải pháp như tạo thuận lợi thương mại, số hoá cơ sở dữ liệu, tiến tới 100% triển khai các thủ tục trực tuyến, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dữ liệu, tối ưu hoá sử dụng phương tiện, hành trình trên tuyến.
“Để nỗ lực này thành công, cần sự phối hợp của các doanh nghiệp, hiệp hội”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị