Phân bón Lâm Thao hé lộ lợi nhuận tăng vọt khiến cổ phiếu LAS “tím lịm”

Ngay phiên giao dịch đầu tuần 8/7, thị trường chứng khoán diễn biến khởi sắc nhờ nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng mạnh như DCM, DPM, BFC, DDV, LAS… Giá phân bón tăng tích cực trong vài tuần gần đây giúp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được hưởng lợi. Nhờ đó dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn nhỏ đều đổ dồn vào nhóm cổ phiếu phân bón, tìm kiếm cơ hội sinh lời.

Mở cửa phiên 8/7, cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao gây chú ý khi tăng trần tới 9,8% lên mức 25.800 đồng/CP. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục kể từ khi LAS niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Nhà đầu tư chen nhau mua cổ phiếu LAS với dư bán hơn 800.000 cổ phiếu, trong khi bên bán trống trơn, không có lượng dư bán. Thanh khoản mã này tăng vọt lên hơn 2,9 triệu đơn vị trong phiên.

co phieu LAS 8-7-24
Cổ phiếu LAS gây chú ý khi tăng trần tới 9,8% lên mức 25.800 đồng/CP. Nguồn: FPTS

Sau một nhịp tăng miệt mài trong 6 tháng qua, cổ phiếu LAS hiện đã tăng 84% so với đầu năm và gia tăng thanh khoản, thu hút dòng tiền đầu cơ.

Diễn biến tăng mạnh của LAS được lý giải là nhờ kết quả kinh doanh trong quý 1 cải thiện tích cực, tiếp đó quý 2 thị trường phân bón thuận lợi, giá mặt hàng này tăng cao.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng, lãnh đạo của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của LAS theo giá thực tế đạt 1.831 tỷ đồng, bằng 55% so với kế hoạch năm.

LAS phan bon Lam Thao 3-7-24
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.124 tỷ đồng, bằng 63% so với kế hoạch năm. Sau khi trừ các chi phí, LAS ước tính lợi nhuận đạt 105 tỷ đồng, bằng 77% so với kế hoạch năm. Như vậy ước tính trong quý 2/2024, lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 39 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo LAS đánh giá công ty đã vượt qua những khó khăn trong nửa đầu năm, ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở tất cả các chỉ tiêu kinh doanh, nộp ngân sách đầy đủ với hơn 51 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động hơn 14 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, mặt hàng chủ lực của LAS là phân lân, được sản xuất phụ thuộc vào nguồn quặng Apatit. Theo đánh giá của lãnh đạo LAS, tình hình chính trị trên thế giới biến động làm cho giá và nguồn cung nguyên liệu dùng trong sản xuất phân bón diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng thiếu quặng Apatit cùng với sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt của các sản phẩm phân bón cùng loại sản xuất trong nước và nhập khẩu trên thị trường, là những khó khăn mà công ty phải đối mặt, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm.

Theo báo cáo triển vọng ngành phân bón mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng ngành phân bón nội địa đã bước vào giai đoạn bão hòa khi diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và công suất sản xuất dư thừa. Năm 2024 dự báo là một năm ổn định đối với ngành phân bón do giá bán và sản lượng tiêu thụ không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Với phân bón NPK, thị trường NPK nội địa phân tán khi các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh chiếm 52% thị phần. Trong khi 2 doanh nghiệp có sản lượng lớn nhất nước là BFC và LAS chỉ chiếm lần lượt 15% và 19%.

Theo VDSC, NPK có tốc độ giảm giá chậm hơn các loại phân đơn khác, đồng thời duy trì được giá bán ổn định hơn các loại phân đơn, nguyên chính là do tính kinh tế loại phân bón này mang lại. Những doanh nghiệp gia nhập sau với công nghệ hiện đại hơn và chủ động trong chiến lược kinh doanh.

VDSC đánh giá, khi Luật thuế VAT sửa đổi (dự kiến có hiệu lực từ 2025) là một điểm sáng của ngành phân bón trong năm nay, theo đó đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT 5% (từ diện không chịu thuế).

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích