Bệnh sởi, ho gà diễn biến phức tạp: Bộ Y tế chỉ đạo ‘nóng’
Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số người mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Tại Việt Nam, theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Bộ Y tế ban hành Công văn số 3935/BYT-KCB về việc tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám, chữa bệnh gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng y tế các ngành; Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học.
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch sởi, ho gà trong cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các ngành lập kế hoạch phòng, chống sởi, ho gà và triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống các bệnh này trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.
Các địa phương chỉ đạo đơn vị y tế dự phòng giám sát, phát hiện kịp thời trường hợp mắc mới, điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng, xử lý khi có ổ dịch sởi, ho gà. Đồng thời, Sở Y tế các địa phương chỉ đạo bệnh viện trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh sởi, ho gà; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra ổ dịch sởi, ho gà tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng sởi, ho gà năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hằng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động tiêm chủng, cập nhật đầy đủ đối tượng trên nền tảng quản lý thông tin tiêm chủng.
“Ngành Y tế các địa phương thực hiện rà soát bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin chống dịch, trang thiết bị, nhân lực… phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ”, Bộ Y tế nêu rõ.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. (Ảnh: Phong Lan).
Các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với dịch bệnh; kế hoạch dự phòng và ứng phó với dịch bệnh theo các mức độ, quy mô của dịch. Ngoài ra, ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca nhiễm, nghi nhiễm đến khám tại đơn vị, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị.
Bộ Y tế đề nghị sẵn sàng các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người nhiễm, nghi nhiễm sởi, ho gà tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương. Cùng với đó, tiến hành điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi, ho gà đầu tiên. Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi, ho gà.
Đối với các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.
Đặc biệt, các địa phương triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hằng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; tiêm phòng ho gà cho trẻ và phụ nữ mang thai.
Thanh Hiền (t/h)