Để Côn Đảo mãi xanh

Giỏ lễ xanh

Ngày 6/7 vừa qua là sự kiện đáng nhớ khi lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo triển khai thực hiện Ngày thứ bảy “giỏ lễ xanh”. Theo đó, nhiều tình nguyện viên là viên chức, người lao động thuộc Huyện đoàn huyện Côn Đảo, Ban quản lý Vườn Quốc gia, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam… cùng phối hợp hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo hướng dẫn du khách phân loại, soạn giỏ lễ theo tiêu chí xanh khi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo và Đền thờ Côn Đảo.

Để Côn Đảo mãi xanh
Thực hiện chương trình giỏ lễ xanh trên huyện đảo Côn Đảo nhằm hạn chế sử dụng hàng mã, ni lông, chai nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Đến thăm viếng Nghĩa trang Hàng Dương, đa số khách du lịch và người dân đều đồng tình, hưởng ứng tích cực sau khi được nghe giải thích về chủ trương hạn chế đồ nhựa. Nhiều đoàn khách du lịch đã đồng ý để các tình nguyện viên hỗ trợ cắm lại giỏ lễ bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, thay thế giỏ nhựa bằng giỏ gỗ, bỏ chân đế cắm hoa mút xốp thay bằng thân cây chuối. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, trong sáng 6/7, đã có hơn 700 lượt người vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương với 322 mâm lễ, giỏ lễ, hoa dâng cúng, trong đó chủ yếu là giỏ lễ xanh, giảm hẳn việc sử dụng hàng mã, mút xốp so với trước đây.

Chị L.T.N (quê Hà Nội) viếng Nghĩa trang Hàng Dương cho biết: Theo thói quen, mỗi lần đến Côn Đảo bản thân đều chuẩn bị đồ cúng là hàng mã. Tuy nhiên năm nay được vận động dùng giỏ lễ xanh, mặc dù chưa quen nhưng hoàn toàn ủng hộ vì để giảm khói bụi ô nhiễm, chất thải nguy hại thải ra môi trường, góp phần bảo vệ Côn Đảo xanh sạch.

“Giỏ lễ xanh” là giỏ lễ thân thiện với môi trường, không sử dụng hàng mã, không sản phẩm nhựa sử dụng một lần như mút, xốp, ni lông, chai nhựa… với kích thước mâm lễ gọn gàng trang trọng, cao 50cm, dài 50cm, rộng 50cm. “Công thức” 5 không tạo nên giỏ lễ thân thiện với môi trường đang được áp dụng tại huyện Côn Đảo gồm: Không hàng mã, không ly/chai nhựa, không túi ni lông, không khay nhựa, không mút xốp cắm hoa.

Đồng thời các cấp chính quyền huyện Côn Đảo cũng khuyến khích người dân và khách du lịch hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni lông, chai nhựa. Khi đi du lịch Côn Đảo, mang theo bình nước cá nhân và túi vải khi đi du lịch, ưu tiên ăn tại quán hơn mua mang về để hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế dâng cúng hàng mã, sản phẩm cúng lễ có nhựa dùng một lần…

Sau thời gian triển khai thực hiện, theo đánh giá của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Côn Đảo, về cơ bản chủ trương “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã” tại các di tích đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và du khách. Số lượng hàng mã, đồ mã dâng cúng đã được hạn chế, việc đốt hương, nhang giảm dần tại các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Xử lý ô nhiễm môi trường

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Hiện Côn Đảo đang đứng trước thách thức trong vấn đề xử lý rác thải. Bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 hiện đã chứa hơn 70.000 tấn rác và diện tích còn lại chỉ còn khoảng 300m², trong khi mỗi ngày Côn Đảo hiện phát sinh khoảng 15 tấn rác thải. Bên cạnh đó, hiện tượng nước rỉ rác ngầm xuống đất, tác động đến chất lượng nước, hệ sinh thái dưới nước gần bãi rác. Côn Đảo cũng đang thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch; hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khi hậu.

Vì thế, việc nghiên cứu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho huyện đảo Côn Đảo là một nhu cầu cấp thiết nhằm phát triển Côn Đảo thuận tự nhiên – Carbon thấp, hướng đến là điểm du lịch bền vững đẳng cấp thế giới; giải quyết các tồn tại và thách thức về vấn đề môi trường, năng lượng tại Côn Đảo…

Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025 phấn đấu tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Giai đoạn 2026 – 2030, phấn đấu tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50% và đạt 100% đối với rác thải hữu cơ. Về kinh phí thực hiện, giai đoạn 2022 – 2025 cần 650 tỷ đồng còn giai đoạn 2026 – 2030 cần 120 tỷ đồng.

Theo chủ trương của UBND huyện Côn Đảo, người dân và du khách hoàn toàn có thể lựa chọn các mâm lễ với hoa quả, trái cây và các vật dụng thân thiện với môi trường để dâng lễ và thắp hương, nhang tại các điểm di tích theo đúng quy định. Điều này thể hiện lòng thành kính của mỗi người, thay vì sử dụng hàng mã, đồ mã và các vật dụng bằng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần, qua đó góp phần chung tay cùng với huyện Côn Đảo trong công tác bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, giảm khói bụi ô nhiễm do hoạt động đốt hàng mã gây ra, góp phần xây dựng hình ảnh Côn Đảo xanh, thân thiện, văn minh.

Hiện nay huyện Côn Đảo đang triển khai các hoạt động thực hiện đề án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế – xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện Côn Đảo sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Thử thách dấu tay xanh”, từ ngày 1/7 – 15/7/2024 với nội dung là “Nói không với các hoạt động cúng, đốt hàng mã tại các khu, điểm do tích trên địa bàn huyện”.

Các di tích thuộc UBND huyện Côn Đảo quản lý chính thức dừng hoạt động cúng đốt vàng mã từ 1/7 gồm: Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ – Khu dân cư số 1, Miếu Thổ Địa – Khu dân cư số 2, An Sơn Miếu – Khu dân cư số 3, Chùa Núi Một – Khu dân cư số 3, Miếu Ngũ Hành – Khu dân cư số 10.

Đồng thời huyện Côn Đảo triển khai chương trình “Giỏ lễ xanh” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt do Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt quản lý. Trong đó giai đoạn 1 sẽ tuyên truyền, thực hiện hạn chế tiến tới nói không với các hoạt động cúng, đốt hàng mã tại các điểm di tích; giai đoạn 2 sẽ thực hiện Ngày thứ bảy giỏ lễ xanh (thứ bảy hàng tuần từ 1/7 – 30/9/2024); giai đoạn 3 sẽ thực hiện tuần lễ giỏ lễ xanh (tuần đầu tiên của tháng từ ngày 1/10 đến 31/12/2024).

Với quyết tâm của chính quyền các cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như sự đồng tình, hưởng ứng của khách du lịch và người dân, kỳ vọng rằng, những vấn đề về ô nhiễm môi trường tại Côn Đảo sẽ sớm được xử lý dứt điểm, để huyện đảo Côn Đảo mãi xanh, phát triển bền vững và khai thác hiệu quả lợi thế du lịch biển đầy tiềm năng.

Hiện nay huyện Côn Đảo đang triển khai các hoạt động thực hiện đề án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế – xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện Côn Đảo sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Thử thách dấu tay xanh”, từ ngày 1/7 – 15/7/2024 với nội dung là “Nói không với các hoạt động cúng, đốt hàng mã tại các khu, điểm do tích trên địa bàn huyện”.

Xuân Tình

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích