4 nội dung mới trong sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa

Hiện nay, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xem là “chìa khóa” tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường. Quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất, lưu thông, cung ứng là nhiệm vụ quan trọng của ngành chức năng và doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trải qua hơn 15 năm triển khai Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình đưa Luật vào thực tiễn, hệ thống pháp luật cũng xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc, chưa đáp ứng nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.

Sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. (Ảnh minh họa)

Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung chính đối với dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sửa đổi. Theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện đang được tập trung vào 4 nội dung.

Chính sách đầu tiên liên quan đến việc xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 – những sản phẩm hàng hóa có nguy cơ rủi ro, cũng như các biện pháp quản lý. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trước đây chúng ta chỉ ghi là “sản phẩm hàng hóa nhóm 2” nhưng hiện nay trong luật mới Ủy ban đang nghiên cứu để phân loại. Bởi ngay cả trong sản phẩm hàng hóa nhóm 2 cũng có những loại có nguy cơ mất an toàn cao, chúng ta sẽ thực hiện biện pháp tiền kiểm. Thế nhưng với những sản phẩm hàng hóa nguy cơ chỉ ở mức trung bình và thấp thì chúng ta hoàn toàn có thể chuyển sang biện pháp hậu kiểm, cho thông quan trước, kiểm tra sau, cho phép doanh nghiệp tự công bố hợp quy.

Chính sách thứ hai là các giải pháp công nghệ mới trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ví dụ những giải pháp gắn với mã QR, truy xuất nguồn gốc, điện tử rất hữu ích trong việc tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chính sách thứ ba đề cập đến việc xây dựng và hình thành nền tảng về hạ tầng chất lượng quốc gia hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, hạ tầng chất lượng quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp, người dân, Chính phủ nhìn nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa trên góc độ tổng thể về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, công nhận, đo lường, chính sách. Hạ tầng chất lượng quốc gia giúp cho sản phẩm hàng hóa hướng đến xuất khẩu.

“Hiện nay quốc tế có Chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia đánh giá mức độ của các quốc gia, nếu chúng ta nâng chỉ số của nước ta cao hơn mức hiện nay thì rõ ràng thế giới sẽ có sự tin tưởng và dễ dàng chấp nhận hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hiệp nói thêm.

Chính sách thứ tư tập trung vào nâng cao trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong các bộ, ngành, địa phương sao cho tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, TS. Hà Minh Hiệp cho rằng, muốn Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sửa đổi, bổ sung có đóng góp tốt hơn cho xã hội có lẽ một số Luật chuyên ngành liên quan cũng cần sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, vừa đáp ứng thông lệ quốc tế, vừa đáp ứng thực tiễn sản xuất trong nước.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích