11 nguyên tắc cơ bản khi áp dụng tiêu chuẩn BSCI về trách nhiệm xã hội

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu, mọi doanh nghiệp đều muốn trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy và mong muốn tìm được đối tác với mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, để biết doanh nghiệp có phải nhà cung cấp đáng tin hay không thì cần một nguồn đối chiếu. BSCI chính là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ đáng tin cậy của doanh nghiệp về khía cạnh trách nhiệm xã hội.

Theo đó, tiêu chuẩn BSCI (Business Social Compliance Initiative) là bộ quy tắc dùng để đánh giá và tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. BSCI được Hiệp hội Ngoại thương (FTA) thiết lập nhằm tạo ra quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Châu Âu.

Trách nhiệm xã hội là cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình, cộng đồng địa phương, xã hội nói chung. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng thực hiện bộ quy tắc ứng xử BSCI, bất kể địa điểm, quy mô, loại hình kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.

Mọi doanh nghiệp đều có thể áp dụng thực hiện bộ quy tắc ứng xử BSCI. (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn BSCI bao gồm 11 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là tự do hội đoàn và quyền thương lượng tập thể: Mỗi nhân sự trong công ty đều có quyền gia nhập vào tổ chức công đoàn do họ lựa chọn và có quyền thương lượng tập thể với chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cấp trên.

Thứ hai là không phân biệt đối xử. Doanh nghiệp cần đảm bảo không có sự phân biệt đối xử, khai trừ hay ưu tiên đặc biệt nào trong việc tuyển dụng, thù lao, đào tạo, thăng chức, chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ hưu dựa trên giới tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp, ngày sinh, nền tảng xã hội, khuyết tật, nguồn gốc dân tộc và quốc gia, quốc tịch, tư cách thành viên trong các tổ chức của người lao động hoặc ý kiến, khuynh hướng tình dục, trách nhiệm gia đình, tình trạng hôn nhân hoặc bất kỳ điều kiện nào khác có thể dẫn đến phân biệt đối xử.

Thứ ba là thù lao công bằng. Doanh nghiệp phải tuân thủ mức lương tối thiểu do chính phủ quy định hoặc các tiêu chuẩn ngành đã được phê duyệt trên cơ sở thương lượng tập thể, để công nhân có cuộc sống đầy đủ, lo được cho bản thân và gia đình. Tiền lương phải được trả đúng hạn, đầy đủ. Mức lương chi trả theo đúng kỹ năng, trình độ của người lao động, xứng đáng với những gì họ bỏ ra. Việc khấu trừ lương chỉ được thực hiện trong mức độ cho phép của pháp luật hoặc được ấn định bởi các thỏa thuận tập thể.

Thứ tư là giờ công làm việc xứng đáng. Không bắt buộc người lao động làm việc nhiều hơn 48 giờ/tuần. Những trường hợp ngoại lệ do ILO quy định được phép vượt quá số giờ làm nhưng phải có sự đồng ý từ phía người lao động và họ phải được trả công xứng đáng, được trả với mức phí cao hơn 125% so với tỷ lệ thông thường.

Đồng thời, giờ công làm thêm cũng cần đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Có giờ nghỉ giải lao cho một ngày làm việc. Người lao động có quyền được nghỉ ít nhất 1 ngày trong 7 ngày làm việc, trừ trường hợp ngoại lệ do thương lượng tập thể quy định.

Thứ năm là sức khỏe và an toàn lao động. Doanh nghiệp tôn trọng quyền được hưởng các điều kiện sống và làm việc lành mạnh của người lao động. Những cá nhân dễ bị tổn thương như lao động trẻ, phụ nữ mới sinh và người khuyết tật sẽ nhận được sự bảo vệ đặc biệt. Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, có hệ thống phát hiện, đánh giá và phòng chống các mối nguy có thể ảnh hưởng đến an toàn của người lao động. Cung cấp trang thiết bị bảo hộ miễn phí cho người lao động, đảm bảo hỗ trợ y tế và cung cấp các phương tiện liên quan khi có sự cố xảy ra. Người lao động được phép rời khỏi vị trí làm việc khi có nguy hiểm mà không cần sự xin phép.

Thứ sáu là không sử dụng lao động trẻ em. Không tuyển dụng trực tiếp hoặc gián tiếp người lao động dưới 15 tuổi. Doanh nghiệp phải xác minh độ tuổi lao động trong quá trình tuyển dụng. Nguyên tắc này nhằm mục đích bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột.

Thứ bảy là bảo vệ đặc biệt đối với lao động trẻ tuổi. Đảm bảo rằng những người trẻ tuổi không làm việc vào ban đêm và họ được bảo vệ trước các điều kiện làm việc có hại cho sức khỏe, sự an toàn, đạo đức và sự phát triển. Thời gian làm việc của lao động trẻ tuổi cần đảm bảo không ảnh hưởng tới thời gian đi học, định hướng nghề nghiệp. Có cơ chế khiếu nại và chương trình đào tạo phù hợp dành cho lao động trẻ em.

Thứ 8 là không cung cấp việc làm tạm thời. Doanh nghiệp phải ký hợp đồng với người lao động theo quy định của pháp luật, không cung cấp việc làm tạm thời. Cung cấp đầy đủ thông tin về quyền, trách nhiệm và điều kiện làm việc cho người lao động trước khi họ bắt đầu làm việc, bao gồm: thời gian làm việc, trợ cấp, thù lao, ngày nghỉ phép, chế độ bảo hiểm…

Thứ 9 là không sử dụng lao động lệ thuộc. Doanh nghiệp không được tham gia vào bất kỳ hình thức nô dịch, ép buộc, ngoại giao, nhận ủy thác, buôn bán hoặc lao động không tự nguyện. Doanh nghiệp có thể bị coi là đồng lõa nếu họ hưởng lợi từ việc sử dụng các hình thức tuyển dụng trái phép.

Thứ 10 là bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tránh làm suy thoái môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của quá trình kinh doanh, sản xuất tới môi trường. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đánh giá các mối nguy và có biện pháp phòng ngừa, xử lý hiệu quả khi có tác động xấu xảy ra.

Cuối cùng là hành vi kinh doanh có đạo đức. Không tham gia vào bất kỳ hành vi tham nhũng, tống tiền hoặc tham ô nào, cũng không phải dưới bất kỳ hình thức hối lộ nào – bao gồm nhưng không giới hạn – hứa hẹn, đề nghị, cho hoặc nhận của bất kỳ khoản tiền không phù hợp hoặc động cơ khác. Việc thu thập, sử dụng và xử lý thông tin cá nhân khác phải tuân thủ luật riêng tư và bảo mật thông tin của người lao động.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích