Đề phòng nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 7 – 8
Xác định ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, những năm qua, Việt Nam nỗ lực tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
Nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn
Dưới tác động của El Nino, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã xác nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua (cao hơn khoảng 1,45 độ C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm). Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo, nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, “xô đổ” kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm 2023.
Những đợt nắng nóng nguy hiểm đang bao trùm nhiều thành phố ở 4 châu lục trên thế giới trong bối cảnh Bắc Bán cầu bước vào ngày đầu mùa hè. Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho biết, mới đây các quốc gia Địa Trung Hải đã phải hứng chịu thêm một tuần nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển Algeria ở phía Bắc châu Phi.
Tại Serbia, giới chuyên gia khí tượng dự báo quốc gia Đông Nam Âu này sẽ ghi nhận nhiệt độ khoảng 40 độ C. Giới chức y tế Serbia đã đưa ra cảnh báo đỏ đối với điều kiện thời tiết nắng nóng như vậy đồng thời khuyến cáo người dân không nên ra ngoài khi không cần thiết. Ngay từ trước khi chính thức vào mùa hè, châu Âu đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do nắng nóng.
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nắng nóng có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Tại khu vực Nam Á, nắng nóng gay gắt hoành hành nhiều khu vực ở Ấn Độ trong những tuần gần đây.
Ngày 19/6, giới chức y tế nước này cho biết ít nhất 110 người đã tử vong do nắng nóng từ ngày 1/3 đến 18/6.Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của El Nino pha cuối, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, dẫn đến nhiệt độ cao. Nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước.
Riêng khu vực Nam Bộ, nắng nóng kéo dài, gần như cả khu vực không có mưa trái mùa (hụt chuẩn từ 60 – 95%). Ngày nắng kéo dài, xâm nhập mặn hiện đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023. Các kênh, rạch ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang khô hạn, tình trạng sụt lún tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là tại khu vực ven biển các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng…
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong giai đoạn 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc – Trung – Nam cùng xảy ra nắng nóng trong thời gian nghỉ lễ 30/4 – 1/5 như năm 2024. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày trong tình trạng nhiệt độ luôn ở mức cao, có lúc lên đến 40 độ C.
Từ tháng 1 – 4/2024, người dân TP Hồ Chí Minh hứng chịu đợt nắng nóng dài kỷ lục trong gần 30 năm, với 74 ngày nắng nóng trong vòng 4 tháng. Theo dữ liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, số đợt nắng nóng – nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C từ hai ngày liên tiếp trở lên – tương đồng với các năm El Nino trước nhưng mỗi đợt lại kéo dài hơn.
Nâng cao năng lực thích ứng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 6 – 9/2024, mức nhiệt cao hơn từ 0,5 – 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mùa hè năm 2024 khả năng nhiều đợt nắng nóng hơn và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 7 – 8 cần đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Mùa hè năm 2024, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Nguy cơ cao xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá. Từ tháng 7 – 9/2024, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5 – 1 độ C.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các địa phương xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, phát triển năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai đạt trình độ tương đương nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước…
Từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp; có phương án chủ động xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh; chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư phát huy trách nhiệm và huy động tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.Khu vực miền Trung, Tây Nguyên, trung du miền núi phía Bắc thực hiện chương trình nâng cấp, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt.
Bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn. Đồng thời, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các sông lớn khác; củng cố và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước của các đô thị, nhất là vùng ven biển.
Có thể nhận thấy, những năm qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, có bước chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng…
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu