Thực trạng tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia: Những tồn tại, bất cập và kiến nghị

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo. Cùng dự và chủ trì có: Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn; Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ Hà Minh Hiệp.

Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia”Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu khai mạc hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. 

Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia”Toàn cảnh hội thảo.

Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nâng lên cả chất và số lượng, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, phù hợp các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội bền vững đòi hỏi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải đổi mới một số chính sách.

“Trong đó, đổi mới về tổ chức, hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là yếu tố quan trọng, mang tính động lực thúc đẩy cho hiện thực hóa các nhiệm vụ nêu trên” – Chủ nhiệm UB Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia”Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại hội thảo.

Đồng chủ trì và điều hành tại hội thảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu đại diện Ban kỹ thuật và tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn tập trung thảo luận về trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam; so sánh với Ban Kỹ thuật của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO); nguyên tắc, mô hình của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế đối với các thành viên.

Đồng thời, làm rõ những khó khăn, giải pháp trong việc đề cử, chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia tiêu chuẩn Việt Nam tham gia Ban Kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về hoạt động của Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia (mô hình của Trung Quốc, Liên minh châu Âu…), đề xuất, kiến nghị với Việt Nam; vai trò của Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam; thực trạng và nguồn kinh phí hoạt động Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam; hoạt động tư vấn kỹ thuật của Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam trong xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nhà nước; Vai trò của thành viên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn lĩnh vực quốc phòng, lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước; bất cập, hạn chế khi thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật…

Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia”PGS. TS Nguyễn Phan Thiết – Trưởng ban kỹ thuật TCVN/ TC 165 Gỗ và kết cấu gỗ phát biểu.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, Trưởng ban kỹ thuật TCVN/TC 165 Gỗ và kết cấu gỗ – PGS. TS Nguyễn Phan Thiết cho rằng: Các thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia là đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức khác có liên quan, người tiêu dùng và chuyên gia. Đây là các chuyên gia có năng lực về chuyên môn và được sự hỗ trợ về nghiệp vụ của đội ngũ thư ký Ban kỹ thuật dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ vẫn cần được đào tạo cơ bản và nâng cao cũng như thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn.

PGS. TS Nguyễn Phan Thiết đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa trong nước thông qua các hoạt động đào tạo trong nước và quốc tế nhằm giúp các thành viên Ban Kỹ thuật có cơ hội tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm thế giới, góp tiếng nói trong các diễn đàn tiêu chuẩn hóa quốc tế, nâng vị thế của Việt Nam. Xây dựng các loại hình đào tạo đa dạng cho các thành viên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia…

Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia”Thành viên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 11 Nồi hơi và bình chịu áp lực – TS. Nguyễn Quyết Thắng phát biểu. 

Cùng quan điểm, theo thành viên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 11 Nồi hơi và bình chịu áp lực, TS. Nguyễn Quyết Thắng, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia đã cho thấy vai trò là tổ chức quan trọng, đóng góp rất lớn trong công tác tham mưu, tư vấn, biên soạn, thẩm định Tiêu chuẩn Quốc gia và các hoạt động khác liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Việc các bộ, ngành tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia là phù hợp vì đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của từng ngành, đồng thời huy động được nguồn lực của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng tiêu chuẩn… Tuy nhiên, cần nâng cao hơn nữa vai trò của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia trong công tác tư vấn xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của các bộ, ngành, bao gồm từ khâu lập kế hoạch, xây dựng dự thảo, thẩm tra, thẩm định, để đảm bảo chất lượng của các TCVN cũng như sự đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam

Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia”Nguyên Viện trưởng Viện cơ khí Đại học Bách Khoa Hà Nội – GS.TS Phạm Văn Hùng phát biểu.

Ở góc nhìn khác, nguyên Viện trưởng Viện cơ khí Đại học Bách Khoa Hà Nội – GS. TS Phạm Văn Hùng cho rằng: Hầu hết các trường đại học không tiếp cận với tiêu chuẩn kỹ thuật, đây cũng là rào cản lớn nhất đối với công tác phổ biến tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cũng theo ông Phạm Văn Hùng, hầu như chương trình đạo tạo của trường đại học không đề cập đến việc đưa tiêu chuẩn kỹ thuật trở thành công cụ hội nhập quốc tế và đào tạo cho sinh viên. Vì vậy, cần đưa tiêu chuẩn kỹ thuật vào chương trình đào tạo tại các trường đại học. Qua đó, giúp phổ biến hơn nữa tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các ngành nghề đào tạo. Đây là tồn tại, hạn chế lớn nhất cần khắc phục. 

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn có liên quan của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ nội dung góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nói chung cũng như các quy định về Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nói riêng.  

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích