Bản tin Hòa Nhập ngày 15/10/2021: Thanh tra việc thầu, sử dụng kít test Covid-19 và bị đẩy giá

Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm dịch ở cửa ngõ Thủ đô

Về 22 chốt ra vào cửa ngõ Thủ đô, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát này.

Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm dịch ở cửa ngõ Thủ đô (Ảnh minh  họa).

Theo lãnh đạo Công an TP.Hà Nội, hiện chưa có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên công an TP.Hà Nội chưa thể tháo chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an TP cũng cho biết, vài ngày tới thành phố chưa có ý kiến thì đơn vị sẽ tự đề xuất, còn hiện tại vẫn duy trì các chốt để tiếp đón, phục vụ ăn uống đối với bà con đi xe máy từ vùng dịch đi qua Hà Nội, bàn giao cho công an các tỉnh.

Trước đó, từ 14/7, Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt… để kiểm soát phương tiện, người dân vào thành phố.

Để vào Hà Nội, người dân phải xuất trình giấy tờ đi lại trên đường, giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Bộ Công an yêu cầu rà soát tài khoản ngân hàng nhiều nghệ sĩ

Theo vnexpress.net  Ngày 14/10, nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, động thái này nằm trong quá trình xác minh theo đơn tố cáo, dư luận, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc một số nghệ sĩ đã lợi dụng việc quyên góp từ thiện, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020. Những nghệ sĩ này bị cho là thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu Lạm dụng tín nhiệm tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Bước đầu, cơ quan điều tra đã mời ca sĩ Thuỷ Tiên và Đàm Vĩnh Hưng lên phối hợp làm việc”, nguồn tin nói và cho biết, ngoài hai ca sĩ trên, danh hài Trấn Thành cũng bị xác định là nằm trong diện phải rà soát. Căn cứ Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp rà soát tài khoản của các cá nhân này tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Vợ chồng Thủy Tiên đến ngân hàng sao kê hơn 177 tỷ đồng kêu gọi quyên góp hỗ trợ người miền Trung năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Công an yêu cầu được cung cấp các tài liệu như: bản sao hồ sơ mở tài khoản; toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản; sao kê chi tiết tất cả giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản nói trên.

Ngoài các tổ chức tín dụng, cơ quan điều tra trong thời gian qua đã gửi công văn đến một số tỉnh thành ở miền Trung – nơi các nghệ sĩ này làm từ thiện, đề nghị phối hợp.

“Mục đích là làm rõ những khoản tiền từ thiện, thu thập các căn cứ giấy tờ chứng minh. Các khoản tiền phải cụ thể, nếu cần thiết có thể mời những người trong danh sách nhận tiền để ghi lời khai”, cán bộ điều tra nói.

Liên quan việc thời gian qua các nghệ sĩ đã thực hiện nhiều sao kê ngân hàng, cơ quan điều tra cho rằng việc này không thể chính xác tuyệt đối nguồn tiền có hay không sử dụng vào việc cứu trợ. Bởi ngân hàng chỉ là nơi tiền được giữ, chuyển đi… còn tiền sử dụng vào mục đích nào thì sao kê không thể hiện.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên và danh hài Trấn Thành thời gian qua dính đến các sự việc ồn ào liên quan đến hoạt động từ thiện. Trước việc bị cho là “ăn chặn” tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, các nghệ sĩ này đã lên tiếng phản bác, đồng thời gửi đơn đề nghị Công an TP HCM điều tra việc mình bị Vu khống.

Đơn tố cáo về hành chính tăng cao (VNExpress.net)

Đơn tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 84,6%, tăng nhiều so với các năm trước (2020 chiếm 64,8%; năm 2019 là 66,6%).

Số liệu trên được nêu trong báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, được Chính phủ gửi đến Quốc hội. Tuy nhiên, so với năm 2020, số đơn giảm mạnh với 35,1%, số vụ việc giảm 18,7%. Nội dung chủ yếu vẫn là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ.

Xét theo vụ việc, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020 (khiếu nại giảm 23,5%; tố cáo giảm 18,7%). Theo cơ cấu lĩnh vực, tình hình khiếu nại không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, chiếm 64,6% (năm 2020 là 61,5%; năm 2019 khoảng 67%).

Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra báo cáo, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tỷ lệ trên do thực trạng hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn nhiều bất cập, người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự liêm chính, khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết hay vì lý do nào khác…

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý trên 570 người, trong đó có 442 cán bộ, công chức. 12 vụ với 15 công chức và 2 cá nhân đã được chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.

Các quyết định trên được đưa ra sau khi giải quyết gần 17.300 vụ việc khiếu nại, tố cáo (đạt 76,3%, giảm 7,2%). Các cơ quan có thẩm quyền cũng kiến nghị trả lại cho tổ chức, cá nhân 441 tỷ đồng, 41,6 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, hơn 1.000 cá nhân.

Theo Ủy ban Pháp luật, con số 12 vụ việc với 17 người nêu trên là “rất khiêm tốn”. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin, làm rõ nội dung này.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng khung pháp lý bảo đảm tính kết nối, liên thông trong chia sẻ dữ liệu. Điều này nhằm nâng cao chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, hạn chế tình trạng chuyển đơn trùng lặp, chuyển đơn đối với các vụ việc đã được giải quyết đúng thẩm quyền, không có tình tiết mới.

Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm Covid-19

Thanh tra Chính phủ được yêu cầu có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống Covid-19.

Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 ban hành ngày 14/10 cho biết, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Trước đó khi kết luận phiên họp thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Bản thân Bộ Y tế cho biết đã lập đoàn thanh tra, làm việc với một số địa phương để làm rõ và chấn chỉnh việc “loạn” giá kit xét nghiệm, chi phí xét nghiệm.

Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm Covid-19 (Ảnh  minh họa).

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị các tỉnh thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, kit test xét nghiệm.

Chi phí xét nghiệm, theo giải thích của Bộ Y tế, bao gồm giá của kit test, vật tư xét nghiệm và chi phí thực hiện xét nghiệm. Trong đó, các doanh nghiệp cung ứng kit sẽ phải công khai giá sinh phẩm này trên cổng thông tin của Bộ.

Hiện kit test không phải mặt hàng trong diện áp giá sàn, giá trần theo các luật hiện hành nên giá theo cung – cầu. Còn với “chi phí xét nghiệm”, trước ngày 1/7/2021 có quy định của Bộ Y tế là 238.000 đồng một mẫu test nhanh và 734.000 đồng một mẫu PCR. Giá này đã gồm chi phí nhân viên phục vụ, vật tư tiêu hao đi kèm, giá kit test…

Sau 1/7, giá này không được quy định cụ thể mà Bộ Y tế hướng dẫn “chi phí xét nghiệm” sẽ theo hình thức “thực thanh, thực chi”. Tức là, giá kit sẽ theo kết quả tổ chức đấu thầu mua sắm (theo Luật Đấu thầu) do các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức; còn chi phí khác (nhân công, lấy mẫu, bảo quản) sẽ không thu của người dân mà lấy từ kinh phí chống dịch của địa phương. Như vậy, chi phí xét nghiệm sẽ bằng với chi phí giá kit test.

Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn bị thu cao, trong khi giá kit xét nghiệm đã giảm đi nhiều so với trước.

Hà Nội hàng hóa dồi dào khi trở lại trạng thái bình thường mới

Sáng 15/10, ngày thứ 2 Hà Nội thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, theo đó, nhiều lĩnh vực kinh doanh sản xuất được phép hoạt động trở lại bình thường.

Trước tình hình này, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, chợ dân sinh những ngày qua vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào, phong phú, sức mua không cao.

Khảo sát thị trường hàng hóa lương thực, thực phẩm, rau củ quả sáng 14/10 tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Gốc Đề, Kim Liên, Thành Công, chợ Xanh Bách Khoa… cho thấy, giá thịt lợn phổ biến ở mức từ 80.000-120.000 đồng/kg; trong đó, thịt ba chỉ, nạc thăn, rẻ sườn ở mức 120.000 đồng/kg.

Giá thịt bò phổ biến ở mức từ 180.000-270.000 đồng/kg. Giá cá trắm trắng ở mức từ 65.000-70.000 đồng/kg, trắm đen ở mức từ 90.000-120.000 đồng/kg. Giá trứng gà ở mức trên dưới 30.000 đồng/chục…

Tương tự, giá nhiều loại hải sản cũng ở mức thấp. Giá các loại hải sản đông lạnh như mực ống từ 130.000-150.000 đồng/kg; Tôm loại 10 con/kg giá 350.000 đồng, loại 20 con/kg 250.000 đồng, loại 30 con/kg giá dưới 200.000 đồng/kg; ghẹ xanh từ 3-5 con/kg giá 250.000 đồng/kg.

Giá các loại thịt gia cầm cũng không có biến động. Giá gà ta sáng nay tại chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên vẫn đang là từ 120.000-140.000 đồng/kg; giá ngan 85.000 đồng/kg; vịt 70.000 đồng/kg, không có biến động so với những ngày trước.

Trong khi giá thực phẩm ổn định ở mức thấp thì giá rau xanh tại một số chợ dân sinh tăng khá cao.

Trong khi giá thực phẩm ổn định ở mức thấp thì giá rau xanh tại một số chợ dân sinh tăng khá cao.

Cụ thể, rau cải ngồng ở từ 25.000-30.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây vài ngày, tương tự, rau cải chíp 17.000 đồng/kg tăng lên 23.000 đồng/kg, cải thảo từ 15.000 đồng tăng lên từ 17.000-20.000 đồng/kg, rau muống trước từ 8.000-9.000 đồng/mớ nay tăng lên 12.000 đồng/bó.

Đáng chú ý, giá rau gia vị đang ở mức khá cao, rau húng bạc hà 5.000 đồng/mớ; rau húng láng 3.000-5.000 đồng/mớ; rau mùi cũng ở mức 3.000-5.000 đồng/mớ.

Nguyên nhân được các tiểu thương cho biết, do mưa bão diễn ra liên tục diễn ra liên tục mấy đợt nên nguồn cung rau xanh bị ảnh hưởng, nguồn lấy buôn cũng ít hơn mọi khi nên giá buôn vào cũng tăng cao hơn buộc bán lẻ cho khách phải tăng giá.

Tại các chợ dân sinh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được Ban quản lý các chợ quan tâm chú trọng. Người dân vào chợ đều được nhắc nhở khai báo y tế, đo thân nhiệt, thực hiện công tác 5K của Bộ Y tế để đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và trở về cuộc sống bình thường mới.

Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị Hà Nội tính toán cho học sinh vùng ngoại thành trở lại trường

Ngày 14/10, trong buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị xem xét để học sinh ngoại thành trở lại trường.

Ông Nguyễn Kim Sơn có ý kiến cho rằng TP Hà Nội cần tính đến chiến dịch giáo dục và kế hoạch điều tiết đời sống cho người dân để thích ứng với tình hình mới. Đặc biệt là việc nghiên cứu phương án để cho học sinh trở lại trường khi dịch bệnh kiểm soát được.

Cụ thể ở thời điểm hiện tại có thể tính toán để cho học sinh khu vực ngoại thành có thể được trở lại trường trước. Vì nhiều huyện ngoại thành hiện là các vùng xanh, trong nhiều ngày không có ca lây nhiễm COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong một hội nghị trực tuyến cuối tháng 8/2021. Ảnh: MOET.

Tuy nhiên, trao đổi lại về đề nghị trên, ông Đinh Tiến Dũng – bí thư Thành ủy Hà Nội – cho rằng thành phố vẫn đang đứng trước những rủi ro lây lan dịch bệnh nên việc mở cửa trở lại cần linh hoạt, nhưng không chủ quan.

Về việc cho học sinh trở lại trường, ông Dũng cho rằng cần phải đánh giá, phân loại các vùng để có phương án cho học sinh trở lại dần, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.

Đà Nẵng dự kiến cho phép mở hầu hết các dịch vụ từ 0h ngày 16/10

Tối 14/10, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.Đà Nẵng, đến hôm nay, địa phương đủ 14 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạm thời xác định cấp độ dịch đối với 56/56 phường, xã trên toàn địa bàn TP.Đà Nẵng ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) để áp dụng một số biện pháp tương ứng.

Đà Nẵng dự kiến cho phép mở hầu hết các dịch vụ từ 0h ngày 16/10 (Ảnh baophapluat.vn).

Theo đó, dự kiến từ ngày 16/10 TP.Đà Nẵng sẽ cho phép nhà hàng, quán ăn phục vụ khách ăn, uống tại chỗ; hoạt động tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể dục thể thao trong nhà; hoạt động tại các bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí…cũng sẽ được mở cửa trở lại với các điều kiện và biện pháp phòng, chống dịch.

Đi kèm với việc mở cửa hoạt động trở lại, tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải có phương án hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phải có thiết bị kiểm soát mã QR để quản lý thông tin người tham gia các hoạt động.

Bên cạnh đó, Thành phố này tiếp tục dừng các hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ làm đẹp (trừ cơ sở cắt tóc, gội đầu), karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử.

Văn bản quy định cụ thể dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 15/10.

TP.Đà Nẵng thống nhất phương án đón và phục vụ khách du lịch nội địa trong thời gian tới. Theo đó, lộ trình đón khách được thực hiện thành các giai đoạn.

Giai đoạn đầu đón khách du lịch là người dân TP.Đà Nẵng và khách công vụ đến TP.Đà Nẵng; giai đoạn tiếp theo triển khai mô hình “Bong bóng du lịch” với một số tỉnh, thành phố trong nước đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 để khai thác và trao đổi nguồn khách và tiến tới hoạt động du lịch quốc tế theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

Ngành du lịch Thành phố này cũng sẽ kêu gọi các cơ sở du lịch trên địa bàn giảm giá dịch vụ và có các hình thức ưu đãi nhằm khuyến khích người dân thành phố du lịch nội thành.

TP.Đà Nẵng thống nhất tổ chức cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đi học từ ngày 18/10 theo kế hoạch. Và học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10. Đối với các cấp học khác trên địa bàn toàn thành phố về cơ bản đi học lại từ ngày 1/11.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích