Gia Lai: Chuyển đổi diện tích cây chè già cỗi sang cây ăn quả cho phù hợp với sự phát triển kinh tế

ch2
Chè Bàu Cạn: một bên xanh tươi, một bên già cỗi cần chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Minh Vỹ.

Cây chè hết chu kỳ khai thác, không người nhận khoán

Ngày 7/7, đại diện Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cho biết, đang chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý kết quả đề nghị của Công ty về chuyển đổi diện tích cây chè già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.

Trước đó, Công ty này đã gửi văn bản xin chuyển đổi 100 ha diện tích cây chè già cỗi, năng suất thấp, không người nhận khoán chăm sóc, bỏ hoang, đất đang để trống sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao (cây chuối, chanh leo, sầu riêng…).

Diện tích xin chuyển đổi thuộc vườn 10, 11, 12. Các vườn cây này trồng từ năm 1932 đến 1937 (đến nay 88 đến 91 năm), hiện trạng các vườn cây này hết chu kỳ khai thác.

Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn (tiền thân là Công ty TNHH MTV Chè Bàu Cạn) được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt phương án cổ phần hóa vào năm 2016. Hiện nay, diện tích còn lại Công ty đang quản lý, sử dụng sau các quyết định thu hồi của UBND tỉnh Gia Lai, UBND huyện Chư Prông là hơn 887,619 ha, trong đó đất phi nông nghiệp hơn 80 ha, đất nông nghiệp hơn 807 ha (đất đang trồng cây cà phê hơn 315 ha, đất trồng cây chè hơn 457 ha, đất khác hơn 34 ha).

ch1
Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn chụp từ trên cao. Ảnh: Minh Vỹ.

Đại diện Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn cho biết: “Từ sau cổ phần hóa, Công ty đã tuân thủ, thực hiện đúng các cam kết tại Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 của UBND tỉnh Gia Lai. Đảm bảo việc làm cho người lao động, duy trì các hợp đồng nhận khoán, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện đúng cam kết trong 5 năm (từ tháng 4/2017 đến 4/2022. Nay đã qua thời gian cam kết, doanh nghiệp, nhà đầu tư xin chuyển đổi 100 ha diện tích cây chè già cỗi sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao là phù hợp với định hướng phát triển cây trồng của tỉnh, tăng hiệu qủa kinh tế, sử dụng hiệu quả đất đai. Diện tích cây chè còn lại sau chuyển đổi hơn 357 ha, Công ty sẽ cải tạo, tái canh đảm bảo nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về việc xử lý đề nghị của Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn chuyển đổi diện tích chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, ngày 27/5/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cuộc họp các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương và Công ty.

Theo đại diện UBND huyện Chư Prông: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là do doanh nghiệp quyết định, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất theo hợp đồng thuê đất để trồng chè và cà phê. Đề nghị Công ty báo cáo rõ về số lượng lao động sau cổ phần hóa so với hiện tại, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động địa phương theo nội dung cam kết sau cổ phần hóa…”.  

Đại diện Sở Tài chính cho biết: “Đề nghị Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn báo cáo cụ thể tình hình sử dụng lao động theo phương án sử dụng lao động đã được phê duyệt khi cổ phần hóa và số lao động hiện tại đối với 100 ha diện tích đất đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Ngày 3/6/2024, sau khi kiểm tra thực tế hiện trạng vườn cây, đại diện UBND xã Bàu Cạn cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có khiếu nại, khiếu kiện. Thống nhất chuyển đổi và ưu tiên nhận lao động tại chỗ, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.

DSC01979
Chuyển đổi cây trồng già cỗi, có thêm nguồn lực để tái đầu tư phần diện tích còn lại. Ảnh: Minh Vỹ.

Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn cam kết, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi thì Công ty đưa toàn bộ 100 ha này vào sản xuất chuối dạ hương Nam Mỹ theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nhất là các lao động người dân tộc thiểu số, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Thực tế kiểm tra cho thấy, diện tích cây chè xin chuyển đổi được trồng từ năm 1932-1937, hiện trạng diện tích chè này đã bị chết, đất hoang hóa, có cỏ, cây bụi mọc. Trong 100 ha có 62 lao động nhận khoán chè, đến nay còn lại 23 lao động (39 người nghỉ hưu) đang chăm sóc diện tích chè còn lại 9,5 ha. Thu nhập bình quân người lao động là 6,5 triệu/tháng/người. 39 lao động nghỉ theo chế độ đầy đủ (không có khiếu nại, khiếu kiện).

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn là phù hợp với các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh nhằm phát huy lợi thế đất đai, thổ nhưỡng để sản xuất nông nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh tế; phù hợp với định hướng phát triển cây ăn quả, nhưng chưa đề cập đến cây chè đây là vướng mắc cần được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 100 ha chè già cỗi, chết, kém hiệu quả trên sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chuối già hương Nam Mỹ), đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với giải quyết lao động”.

Theo định hướng quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Duy trì và phát triển ổn định diện tích chè trên địa bàn tỉnh khoảng 500 -700 ha”. Hiện tại, Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ có hơn 351 ha chè; sau khi chuyển đổi 100 ha chè già cỗi sang trồng chuối, diện tích cây chè của Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn còn lại hơn 357 ha. Lúc đó, diện tích cây chè của tỉnh hơn 700 ha. 

 

 

 

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích