Giải bài toán kiểm định khí thải với xe mô tô, gắn máy

Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và được cơ sở đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Theo số liệu của Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), giai đoạn 2005-2022, tăng trưởng xe máy tại nước ta đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.

Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, đây cũng là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường. Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở thành phố Hà Nội chiếm 72,58%, tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm 68% và Đà Nẵng chiếm trên 59%.

ThS Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, kết quả nghiên cứu trong quá trình đo kiểm khí thải xe máy cho thấy nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe (7%).

Theo khảo sát, một xe máy di chuyển quãng đường trung bình 16,7km/ngày, tương đương với 6.095km/năm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 0,0236 lít/km. Nếu thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo, mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của mỗi xe tiết kiệm được 10,07 lít/năm. Nếu tính trên toàn thành phố Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, lượng nhiên liệu hàng năm tiết kiệm được là gần 62 triệu lít và tổng chi phí nhiên liệu tiết kiệm ước tính hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.

Ảnh minh họa

Cần sớm có quy định về ngưỡng đạt chất lượng khí thải

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện xe máy. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi. “Quy định về kiểm soát khí thải với xe máy có từ Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng quá trình triển khai gặp phải nhiều khó khăn và đến nay tiếp tục thực thi là hoàn toàn chuẩn xác, cấp thiết và xu thế tất yếu bắt buộc phải kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới trên các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh càng nhanh càng tốt để bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia tại COP26,” ông Tạo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tạo cũng lưu ý cách thức triển khai cần nghiên cứu bài bản, không làm ảnh hưởng xáo trộn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn kiểm soát được khí thải xe máy.

Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đưa ra cách thức triển khai đó là nâng cao chất lượng khí thải với xe máy mới sản xuất lắp ráp nhập khẩu về nước ta, hiện đã và đang làm rất tốt và đáp ứng đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải đưa ra đồng thời từng bước thay thế các xe chạy động cơ xăng bằng động cơ chạy điện.

“Nếu làm tốt kiểm soát xe sản xuất lắp ráp nhập khẩu thì không khác gì ‘một cái ao có dòng nước trong bơm vào và sẽ dần thay thế nước đục’. Điều đó có nghĩa là phương tiện mới sẽ từng bước thay thế xe cũ nát và loại xe này sẽ được di chuyển sang các vùng miền núi, nhưng cũng cần có một thời hạn nhất định để loại bỏ dòng xe ‘hết đát’. Khi đủ nguồn lực về kinh tế thì quy định thời hạn để thanh lý dòng xe này, không cho sử dụng ở trong các thành phố lớn nữa sẽ giải quyết vấn đề khí thải thông qua kiểm soát hành chính và thay đổi lượng lớn phương tiện,” ông Tạo đưa ra quan điểm.

Muốn xúc tiến nhanh nữa về kiểm soát khí thải với xe máy đang lưu hành, ông Tạo đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu quy định một mức độ chất lượng khí thải với xe máy đang sử dụng ở mức nào để có thể chấp nhận được và xe nào chất lượng kém hơn cần có chế độ bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế động cơ sẽ có chất lượng khí thải đạt ngưỡng tốt trong thời gian ngắn hơn.

“Nhưng quy định chất lượng con số khí thải bao nhiêu thì cơ quan quản lý chuyên ngành cần nghiên cứu để không ảnh hưởng đến số lượng phương tiện sửa chữa, bảo dưỡng động cơ, thậm có chương trình hỗ trợ, trợ giá nhằm đổi xe máy cũ nát sang xe mới”, ông Tạo nói.

Ngoài ra, ông Tạo góp ý vấn đề tổ chức trung tâm kiểm định khí thải xe máy cần có giải pháp để làm sao không ảnh hưởng nhiều người dân chờ đợi kiểm định xe; cần có cơ sở hành lang pháp lý để quy định cho cơ sở mới nhằm tạo dựng nghề chuyên kiểm định xe gắn máy thì mới làm nhanh và phục vụ tốt nhân dân.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích