Cần có giải pháp ngăn chặn hiểm họa lừa đảo trên không gian mạng

Phản ánh thực trạng lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng phổ biến, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, vấn đề tội phạm mạng gia tăng nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an ninh xã hội và quyền lợi của người dân. Cử tri tại các địa phương phản ánh nhiều về tình trạng lừa đảo trên mạng, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng công nghệ 4.0, sử dụng server nước ngoài, số điện thoại ảo để che giấu danh tính, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt.

Theo đại biểu, để ngăn chặn vấn nạn này, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tội phạm lừa đảo qua mạng, phối hợp các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục về các thủ đoạn, hành vi lừa đảo. Cần sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền để truyền tải rộng rãi với người dân về các biện pháp phòng ngừa lừa đảo qua mạng, hướng dẫn người dân sử dụng internet an toàn, bảo mật thông tin cá nhân. Cần tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề phù hợp với từng đối tượng, chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng dễ bị lừa đảo như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, những người hiểu biết chưa rõ về công nghệ.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân và có tác động hết sức tiêu cực cho an toàn xã hội và sự phát triển của đất nước. Điều này gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.

Theo thông tin của Bộ Công an nêu tại Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng được tổ chức ngày 13/5/2024, thống kê trên Cổng Cảnh báo an toàn thông tin đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến và gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương với 3,6% GDP; trong đó có đến 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính và đặc biệt là tăng 64,78 % so với 2012. Các đối tượng phạm tội cả trong và ngoài nước, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để, lợi dụng công nghệ mới để tấn công xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây hoang mang trong xã hội.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có đánh giá toàn diện, thấu đáo, kịp thời và có các giải pháp căn cơ để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh một cách có hiệu quả về vấn đề này, trong đó là đặc biệt quan tâm đến việc rà soát và hoàn thiện khẩn trương các hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.

Cần có giải pháp ngăn chặn hiểm họa lừa đảo trên không gian mạng
Các đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp để khắc phục và ngăn chặn hiểm họa lừa đảo trên không gian mạng

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng đang là vấn đề nhức nhối. Điển hình như là đánh bạc, vay tiền online, xâm nhập trái phép tài khoản mạng xã hội, lừa đảo trúng thưởng giả danh cán bộ, cơ quan chức năng, lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử trung gian hoặc trực tiếp trao đổi, mua bán trên mạng. Tính chất và hành vi phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh, gây hiệu quả ngày càng nghiêm trọng.

Tình hình tội phạm công nghệ cao cũng diễn ra trên phạm vi rộng với nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Số lượng vụ việc lừa đảo ngày càng tăng cao, đặc biệt trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông cũng phản ánh, có rất nhiều người bị lừa đảo, mất số lượng tiền rất lớn. Đặc biệt, hai lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng là mục tiêu mà các hacker thường tấn công để gây nguy hại.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và cơ quan chức năng phải có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn được hành vi phạm tội trên không gian mạng. Cũng liên quan đến vấn đề quản lý sim rác, đại biểu cho rằng, các hành vi lừa đảo trên mạng này sử dụng rất nhiều các số điện thoại, không thể xác định được thông tin người sử dụng, nhà mạng. Như vậy cách quản lý sim điện thoại của chúng ta cũng đang có vấn đề rất lớn. Do đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng cũng cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa về vấn đề sim rác.

Quan tâm về tình hình tội phạm ở các tập đoàn lớn, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua, có những con số lừa đảo gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Về tội phạm ở tập đoàn lớn, chúng ta xử lý một số vụ việc cho thấy hệ lụy là rất rộng và có thể phải xử lý rất nhiều năm mới mới xong. Đại biểu cho rằng, các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát, thậm chí kể cả điều tra cần vào cuộc sớm, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn xử lý ngay từ đầu. Chính phủ nên rà soát lại công tác thanh tra, kiểm tra và phải có cơ chế chịu trách nhiệm chính trong những việc này.

Truyền tải ý kiến của cử tri, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, cử tri đang rất quan tâm đến vấn đề lừa đảo qua mạng xã hội trong thời gian vừa qua có xu hướng gia tăng với thủ đoạn là ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng này đã sử dụng mạng xã hội, sử dụng công nghệ để lừa đảo nhắm đến tất cả các thành phần trong xã hội, từ cán bộ, công chức, viên chức cho đến người dân ở các vùng, số lượng những người bị lừa đảo là rất lớn.

Đại biểu nêu rõ, cử tri hết sức băn khoăn, bức xúc về hiện tượng này và cũng có đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp xử lý nghiêm, ngăn chặn, để tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng này, nếu không sẽ tạo ra bất ổn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động.

Đề cập tới một số vấn đề về công nghệ thông tin, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, tuy chúng ta đã có nhiều hoạt động trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng thời gian vừa qua việc đảm bảo an ninh, an toàn trên mạng cũng là một vấn đề rất đáng cảnh báo. Đã có nhiều vụ tấn công từ bên ngoài vào các công ty, các tổ chức tài chính, sau đó đòi tiền chuộc, về mặt bản chất, đây là sự xâm phạm về chủ quyền, đòi hỏi Chính phủ cần phải tập trung tiềm lực về công nghệ, tăng cường đầu tư đảm bảo hệ thống được an toàn hơn.

Tiếp nữa là vấn đề lừa đảo trên mạng diễn ra rất nhiều, cũng được công bố và cảnh báo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa để đảm bảo thực hiện tốt hơn, an toàn hơn cho các nội dung có liên quan cả trên thực tiễn cuộc sống và trên không gian mạng.

Theo Thương hiệu và Sản phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích