Chuyển đổi kinh tế xanh: Mệnh lệnh thời hội nhập
Cần có cơ chế để khơi thông các điểm nghẽn
Sức ép nhiều phía là động lực khiến các doanh nghiệp rất chú trọng đến chuyển đổi xanh nhiều hơn. Mức độ trưởng thành chuyển đổi xanh khác nhau tùy từng quy mô doanh nghiệp. Với doanh nghiệp lớn, đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có nhiều lợi thế hơn; còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thức chuyển đổi xanh còn ít.
Trong khi đó, thông tin về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh quá nhiều và khác nhau ở từng thị trường, từng quốc gia ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Một “rừng” thông tin như vậy khiến doanh nghiệp bị “ngợp” và lúng túng khi không biết bắt đầu thực hiện từ đâu, nhất là ở doanh nghiệp thiếu nguồn lực cả nhân sự và tài chính.
Ảnh minh họa: BT |
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh là một trong hai vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất tại Bắc Ninh – địa phương đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chia sẻ tại tọa đàm “Khơi thông nguồn tín dụng xanh” ngày 5/7, ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, thể chế và chính sách cho chuyển đổi xanh chưa đồng bộ, chưa sử dụng hết công cụ từ thị trường đang là khó khăn chính. Chuyển đổi xanh liên quan đến các nguồn vốn xanh nhưng hiện chưa có quy định trái phiếu xanh khiến các dự án xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính.Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Đầu tư cho chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn là dài hạn nhưng do gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, các doanh nghiệp trong nước thích ứng với chuyển đổi xanh chậm hơn so với doanh nghiệp FDI. Trong đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp làng nghề chủ yếu quản trị theo mô hình gia đình nên chậm chuyển đổi, chậm thích ứng với những thay đổi nhu cầu của thị trường.
Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, phát triển chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo bền vững. Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời đã chỉ ra những con số “biết nói” khi chi phí thuốc trừ sâu giảm 23%, nước giảm 7%, phân bón giảm 5%, đồng thời góp phần tăng 1% năng suất ở quy mô nhỏ. Dư địa để tiếp tục giảm những chi phí trên còn rất lớn nếu công nghệ được đồng bộ và tích hợp trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp khó có thể tiến xa được do chính sách còn thiếu và chưa theo kịp. Cụ thể, hiện chưa có chính sách vay vốn ưu đãi trong khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh; các kênh dẫn vốn xanh chưa khơi thông, thị trường tín chỉ carbon chưa có…
Nhìn nhận từ góc độ tiếp cận thực tế với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi tăng trưởng xanh, bà Trần Tường Vân – Giám đốc tư vấn Công ty Cổ phần EY Việt Nam cho rằng, việc chưa nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh cũng khiến tài chính xanh khó phát triển cũng như mở rộng danh mục tín dụng xanh.
Thực tế những năm gần đây, các ngân hàng đã và đang sẵn sàng cho vay xanh, mong muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp cho vay mở rộng danh mục tín dụng xanh.Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động như tái cơ cấu, thay đổi cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả chuyển đổi xanh cũng như dễ dàng tiếp cận vốn xanh.
Theo bà Trần Tường Vân, hiện một số ngân hàng đang trăn trở khi có tệp khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cho vay xanh thế nào, chi phí đầu tư để quản lý rủi ro có đảm bảo hay không. Do đó, để đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi xanh, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan trong việc chuẩn hoá và cập nhật thông tin về chuyển đổi xanh thì ngành ngân hàng cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi từ nâu sang xanh.
Tăng cường truyền thông để tạo đồng thuận
Bà Trần Tường Vân đề xuất nên có cổng thông tin hướng dẫn mà ở đó, có tất cả thông tin cần thiết để kể cả một doanh nghiệp non trẻ chưa biết gì về xanh cũng có thể biết cần gì và cần phải làm gì? Những thông tin đó có thể là những định hướng của Chính phủ về mục tiêu Netzero đến năm 2050 và những quy định, chiến lược quan trọng; những thông tin, hướng dẫn chuyển đổi xanh theo từng ngành, từng lĩnh vực như dệt may, nông nghiệp; bộ câu hỏi để doanh nghiệp tự đánh giá mình đang ở đâu và bắt đầu cần phải làm gì…
Bà Bùi Thu Thuỷ – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Cục Phát triển doanh nghiệp đang phối hợp với các tổ chức quốc tế tập trung hỗ trợ nguồn đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chủ yếu tập trung nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.Để tạo bứt phá cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, những hoạt động hỗ trợ đơn lẻ này là chưa đủ.Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ phân ngành kinh tế xanh để trên cơ sở đó xác định những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Có nhiều chính sách liên quan đến nhau, ở cấp vĩ mô, Chính phủ không thực hiện thì doanh nghiệp dù có quyết tâm đầu tư cũng rất khó khăn mới đi đến mục tiêu tăng trưởng xanh.
Chuyển đổi xanh là một phương thức phát triển kinh tế quan tâm đến vấn đề môi trường và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt.Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và suy thoái môi trường đã trở thành những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.Thời gian qua, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu thì tình hình dịch bệnh đã tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, chỉ có chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh mới là lựa chọn đúng đắn và lâu dài.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô